Đến ngày 8/3, bé đã có thể tự thở qua mặt nạ oxy. Ngày 12/3, bác sĩ trưởng khoa cho biết sức khỏe bé có chuyển biến theo hướng tốt. Vào chiều 13/3, chị Hà vào thăm con theo giờ quy định. “Tôi thấy con có vẻ mệt. Các miếng băng keo dán ống truyền sữa và mặt nạ oxy bung ra. Tôi liền nhờ cô điều dưỡng gắn lại cho bé nhưng cô này trả lời “có sao đâu, cái ống đang nằm trong lỗ mũi con chị đó”, rồi cô cũng không gắn lại cho bé”, chị kể. Khoảng hơn 18h, hết giờ thăm bệnh, thân nhân được mời ra ngoài để điều dưỡng cho bệnh nhi ăn qua đường truyền. Linh tính của người mẹ khiến chị Hà cảm thấy bất an. Chị cứ ngồi ngay trước cửa khoa hồi sức (đã được khóa), không đi đâu.
|
Chị Hà (giữa) đau xót nhìn con trai 2 tháng tuổi lần cuối tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc. |
Đến khoảng 20h tối đó, có một thân nhân cùng phòng với chị đi từ trong khoa ra, chị mở cửa chạy vào thăm con. Khi đi qua bàn làm việc, chị thấy bác sĩ, y tá trực đang ngồi ăn trái cây, cười nói rôm rả, không ai để ý đến các em bé đang nằm xung quanh. Khi đến chỗ con nằm, chị Hà hốt hoảng thấy mặt nạ oxy của bé Khôi đã rớt ra ngoài, sữa trào ra lênh láng trên mặt, bụng phình lên, toàn thân bé tím tái. Chị la lên kêu cứu. Lúc này y tá, bác sĩ mới lao tới cấp cứu… Tình trạng em bé sau đó được thông báo rất nguy kịch. Đến sáng 15/3, bệnh viện cho biết bé đã tử vong.
Tắc trách thờ ơ?!
Gia đình chị Hà cho biết chỉ muốn làm rõ trách nhiệm về cái chết của bé Khôi. Tại sao sức khỏe bé đang chuyển biến tốt mà lại tử vong? Hơn nữa, từ đầu đến cuối, bác sĩ chỉ cho biết bé viêm phổi, tại sao khi bé qua đời, bệnh viện lại giải thích do bé có thêm vấn đề tim bẩm sinh? “Chúng tôi yêu cầu làm rõ để tránh cho những gia đình khác. Con cháu chúng tôi chết có một phần từ sự tắc trách, thờ ơ của ca trực”, một người thân của Khôi bức xúc.
Trao đổi với PV ngày 15/3, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, bệnh viện đã hết sức cố gắng cứu chữa, nhưng cháu bé không qua khỏi. “Trong sáng 15/3, ban giám đốc đã gặp gia đình để lắng nghe các thắc mắc, góp ý. Vào ngày 16/3, bệnh viện sẽ họp hội đồng khoa học để đánh giá về ca này. Khi có kết luận của hội đồng, sẽ thông tin cho gia đình”- bác sĩ Hùng nói. Theo bác sĩ Hùng, về thái độ của ê kíp trực để cháu bé bị tuột ống thở, ống truyền sữa, sữa trào ra mặt… như người nhà phản ánh, ban giám đốc sẽ họp để biết lỗi tới đâu, nếu có sẽ xử lý nghiêm khắc. Bác sĩ Hùng cũng cho biết, bệnh viện cũng hỗ trợ gia đình trong việc đưa bé Khôi về quê lo hậu sự ngay trong ngày 15/3.
Khi biết chuyện xảy ra với bé Khôi, một người mẹ cùng phòng với chị Hà, chảy nước mắt cho biết con chị cũng viêm phổi đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Chị đề xuất nên có camera gắn ở các giường bệnh để người nhà cùng quan sát, theo dõi phát hiện bệnh nhi có vấn đề gì không trong trường hợp nhân viên y tế lơ là.
>> Bệnh nhân xơ gan tử vong sau khi truyền dịch, tiêm kháng sinh
>> Nữ bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc bổ gan
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)