Chưa vận hành thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bị chê vé đắt

16/04/2021 07:04:06

Nhiều ý kiến cho rằng, giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông cao hơn nhiều so với xe buýt hay BRT nên sẽ khó khuyến khích người dân tham gia loại hình vận tải công cộng.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt phương án kết nối các tuyến xe buýt tại những ga đầu, cuối và tuyến cắt qua lộ trình, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, ga Cát Linh sẽ được kết nối với tám tuyến buýt gồm: 18, 23, 25, 38, 50, 90, 99 và BRT01. Ngoài ra, có hai tuyến buýt sẽ đổi lộ trình để kết nối với ga Cát Linh.

Cụ thể, kết nối với ga Cát Linh trên đường Giảng Võ có năm tuyến (38, 18, 23, BRT01, 90), kết nối với ga Cát Linh trên đường Hào Nam có bốn tuyến (25, 50, 90, 99), riêng đối với tuyến buýt số 38 chỉ kết nối với ga Cát Linh theo một chiều (từ Giảng Võ đi Núi Trúc).

Chưa vận hành thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bị chê vé đắt
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành để có thể vận hành thương mại vào tháng 5.

Tại ga Yên Nghĩa sẽ duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt gồm: 01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, 123, 124, CNG02, CNG07, BRT01, 75 và 213, 214. Trong đó, 18 tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa và hai tuyến số 37, 57 là các tuyến buýt thông qua. Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối với khu vực ngoại thành.

Cùng với việc bổ sung xe buýt ở các ga, Hà Nội cũng bổ sung 17 điểm dừng, đồng thời di chuyển chín điểm dừng xe buýt. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó, 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 nhà ga đường sắt đô thị 2A.

Chưa vận hành thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bị chê vé đắt - 1
Những nhà báo lần đầu tiên trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông.

Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào khai thác thương mại sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm. Sau 15 ngày miễn phí, giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến ở mức từ 7.000 đồng - 15.000 đồng/vé/lượt.

Sau khi giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông được công bố cụ thể, nhiều người dân cho rằng, với mức giá cả tuyến là 15.000 đồng là đắt.

Một số người so sánh hiện giá vé xe buýt tại Hà Nội đang áp dụng với 3 mệnh giá 7.000 đồng (cự ly vận chuyển dưới 25km); 8.000 đồng (cự ly vận chuyển từ 25km đến 30km) và 9.000 đồng/người/lượt (cự ly vận chuyển trên 30km).

Chưa vận hành thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bị chê vé đắt - 2
Giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến ở mức từ 7.000 đồng -15.000 đồng/vé/lượt.

Anh Nguyễn Như Hoà (trú Thanh Trì) chia sẻ: "Trong khi các tuyến kết nối còn khó khăn, giá vé công bố của tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông như vậy là chưa hợp lý, sẽ không khuyến khích và thu hút người dân thủ đô di chuyển bằng phương tiện này".

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hoàng Long (nhà ở Hà Đông) cho biết: "Nếu so với loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt hay BRT thì giá vé như vậy là cao hơn nhiều, sẽ ít người đi hơn. Do vậy để khuyến khích người dân tham gia loại hình vận tải công cộng mới ở thủ đô, đơn vị vận hành quản lý, UBND TP Hà Nội cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp, cần tính đến vận hành lâu dài chứ chưa thể tính đến hiệu quả kinh tế ngay được".

Đại diện Hà Nội Metro cho biết, trong tháng 5/2021 có thể khai thác vận hành thương mại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ rất lớn với sức chở tối đa 960 người, khai thác 10 phút/chuyến. Đơn vị này sẽ xem xét điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc kết nối các tuyến buýt cũng như giá vé cho phù hợp.

Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)

Nổi bật