Vừa qua, Báo Công Thương có bài viết “Chùa của sư Thích Chân Quang 'ngang nhiên' tồn tại 35 công trình trái phép lấn chiếm đất rừng” phản ánh về việc Chùa Phật Quang (xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do sư Thích Chân Quang trụ trì xây dựng 36 công trình thì có tới 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
Trong đó, công trình Chánh điện được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m.
Liên quan đến sự việc này, ngày 27/8/2024, trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Bắc - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, về vấn đề xử lý vi phạm sẽ do địa phương xử lý (thị xã Phú Mỹ - PV), phía Ban chỉ phối hợp lập biên bản.
“Vừa rồi địa phương đã ra quyết định cưỡng chế rồi, hiện tại đang lập dự toán để ra phương án cưỡng chế”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Cùng ngày, đại diện UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tháng 3/2024, UBND thị xã đã ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm tại chùa Phật Quang, do ông Vương Tấn Việt (tức sư Thích Chân Quang) làm trụ trì.
“Do tháng 4 vướng vào ngày Đại lễ Phật Đản, tiếp đến là Lễ Vu Lan do đó các ban ngành hiện đang làm thủ tục để cưỡng chế khắc phục hậu quả”, đại diện UBND thị xã Phú Mỹ nói.
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Công Thương có, tháng 3/2024, UBND thị xã Phú Mỹ đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Chùa Phật Quang (địa chỉ thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do ông ông Vương Tấn Việt (sư Thích Chân Quang - PV) là người đại diện theo pháp luật.
Tại quyết định này, ông Vương Tấn Việt đã có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.418,25m2 thuộc tiểu khu Tân Hòa rừng phòng hộ núi Dinh, thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục đích, xây dựng nhà vệ sinh và nhà kho.
Việc làm này đã vi phạm hành chính quy định tại Điểm d, khoản 3, Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
“Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 8 Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu. Cụ thể, buộc Chùa Phật Quang đưa khỏi đất cây trồng, vật nuôi, di dời công trình, tài sản trên đất, buộc trả lại đất đã chiếm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ”, quyết định cưỡng chế nêu.
Điều đáng nói, thời gian có hành vi chiếm đất rừng để xây dựng các công trình trên được xác định diễn ra vào ngày 3/6/2021, và việc cưỡng chế này là để khắc phục hậu quả cho việc tái lấn chiếm đất rừng phòng hộ vào năm 2021.
Từ đó có thể thấy rằng, năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thanh, kiểm tra và chỉ ra hàng loạt những vi phạm tại Chùa Phật Quang về việc chiếm hàng nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ.
Trong khi chưa khắc phục hậu quả, đến năm 2021, ông Vương Tấn Việt lại tiếp tục lấn chiếm thêm hơn 1.400m2 đất rừng phòng hộ.
Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như thế nào khi để xảy ra những vi phạm mang tính có hệ thống như vậy? Những vi phạm xảy ra tại Chùa Phật Quang được chỉ ra vào năm 2018 khắc phục đến đâu?
Phóng viên Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.
Năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Chùa Phật Quang xây dựng 36 công trình Chùa trên đất thì có tới 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Công trình Chánh điện được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m.
Trong quá trình chùa Phật Quang xây dựng các công trình không phép trên đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
“Đại diện chùa không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mà vẫn tiếp tục xây dựng, thể hiện sự không chấp hành pháp luật về xây dựng, không chấp hành các văn bản quản lý của cơ quan chức năng. Do vậy cần thiết xử lý tháo dỡ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý xây dựng không phép của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn” , Kết luận thanh tra khẳng định.
Theo Nguyễn Thừa (Báo Công Thương)