Sự việc này một lần nữa cho thấy văn hóa giao thông của một số cá nhân hiện ở mức báo động.
Thiếu ý chấp hành luật giao thông
Clip trên ghi lại hình ảnh trong khi chiếc xe ô tô và dòng xe đang lưu thông trên đường thì bất ngờ một người phụ nữ đi xe máy hồn nhiên dừng xe giữa đường dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh, bất chấp tiếng còi inh ỏi từ những chiếc xe khác. Do quá bức xúc, người đàn ông nước ngoài trong chiếc xe ô tô bị chặn đầu đã xuống xe, yêu cầu người phụ nữ nhanh chóng di chuyển. Tuy vậy, người này vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục sử dụng điện thoại. Đến lúc này, người đàn ông buộc phải giật lấy chiếc điện thoại, đẩy chiếc xe máy đi, nhấc bổng đuôi xe, kéo theo cả người phụ nữ vào lề đường. Ngay sau đó, lực lượng CSGT đã có mặt làm việc với người phụ nữ này và điều tiết giao thông tại khu vực.
Sau khi xem đoạn clip trên, không ít người đã bày tỏ sự bức xúc trước vi phạm của người phụ nữ này. Anh Nguyễn Đức Quang ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, việc làm của người phụ nữ trong clip không chỉ nguy hiểm cho chính bản thân mà còn gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông khác, cản trở giao thông tại khu vực. Bởi, chỉ cần một người điều khiển phương tiện đi qua đoạn đường này thiếu quan sát hoặc đi với tốc độ nhanh hậu quả sẽ khó lường.
Cũng liên quan đến đoạn clip trên, chị Lê Hương Giang - Việt kiều sống tại Đức bày tỏ quan điểm, thật đáng xấu hổ khi người Việt ngang nhiên vi phạm luật giao thông ngay tại nước mình khiến người nước ngoài buộc phải ra tay xử lý bằng biện pháp mạnh là lôi cả người và xe vào lề đường. Thời gian qua, chúng ta đã không ít lần chứng kiến cảnh những người nước ngoài phải đứng giữa các điểm ùn tắc để phân luồng giao thông hoặc sự sợ hãi, run rẩy của họ mỗi khi qua đường ở Việt Nam. Điều này đã làm xấu đi hình ảnh nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.
“Khi tham gia giao thông tại Hà Nội, điều khiến tôi lo lắng là nguy cơ xảy ra tai nạn có thể đến bất kỳ lúc nào, từ những người vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe bừa bãi hay vừa điều khiển xe vừa hút thuốc lá, vừa khạc nhổ. Trong khi đó ở nước ngoài, tình trạng này hiếm khi xảy ra do luật pháp rất nghiêm. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những cá nhân thiếu tôn trọng người khác, cố tình vi phạm quy định nhằm đảm bảo tính răn đe” - chị Giang đề xuất.
Dừng, đỗ xe sai quy định sẽ bị phạt tiền
Về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 19, Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.
Lái xe không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt... Chủ phương tiện cũng không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Còn theo Điều 6 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông: Phạt tiền từ 100-200.000 đồng đối với một trong các hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ ba xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật. Như vậy, nếu việc dừng đỗ xe gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến các phương tiện khác thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định trên.
Theo Huệ Linh (An Ninh Thủ Đô)