Chủ tịch UBND TP HCM xin lỗi người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm

10/06/2016 19:49:00

Sau một ngày đối thoại với 63 hộ dân khiếu nại về quy hoạch, đền bù giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM - nói lời xin lỗi về sự trễ nãi khi không tiếp họ đúng hẹn.

 
Sau một ngày đối thoại với 63 hộ dân khiếu nại về quy hoạch, đền bù giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM - nói lời xin lỗi về sự trễ nãi khi không tiếp họ đúng hẹn.
 

Lãnh đạo UBND TP HCM nghe trình bày về những kiến nghị, phản ánh xung quanh việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Thủ Thiêm. 63 hộ dân khiếu nại vấn đề chính là nhà, đất của họ (thuộc phường Bình An và phường Bình Khánh) không nằm trong quy hoạch; không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân là vi phạm pháp luật; quá trình đền bù không phù hợp với pháp luật.

Các hộ này đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc xác định khu dân cư thuộc 5 khu phố của 3 phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh mà người dân đi khiếu kiện nằm ngoài khu quy hoạch. "Với chứng cứ của tấm bản đồ này, chúng tôi khẳng định diện tích đất của người dân nằm ngoài dự án", đại diện các hộ nói.

chu-tich-ubnd-tp-hcm-xin-loi-nguoi-dan-khu-do-thi-moi-thu-thiem

Người dân trình bày bức xúc với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Ngọc Hậu

Phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc TP HCM Trương Trung Kiên cho rằng, bản đồ mà người dân cung cấp chỉ thể hiện diện tích dự án 500 ha chứ không phải 650 ha như hiện tại. Cho nên việc người dân nói nhà đất nằm ngoài dự án là không chính xác.

Không đồng ý, ông Phạm Thế Vinh, một trong những hộ dân khiếu nại, dẫn quy định khi lập dự án bắt buộc phải có phần chú giải. Theo đó, tại phần chú giải mà bản đồ kèm theo đã thể hiện rất rõ đó là khu dân cư. Ông Vinh đặt vấn đề "tại sao nói quy hoạch lại cho người dân nằm trong dự án được quyền mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước?".

Về điều này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó chủ tịch UBND quận 2 - cho biết, qua rà soát, phần lớn trường hợp mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61 trong thời gian 2000-2002 và được hội đồng bán nhà của quận xét bán trước khi UBND TP có quyết định thu hồi đất của dự án; chỉ có 6 trường hợp sau khi có quyết định thu hồi đất. Hội đồng bán nhà quận 2 xét bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước là tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Theo ông Khiết, 3 phường An Lợi Đông, An Khánh, Thủ Thiêm tổng cộng có diện tích 563 ha đất. Chứng minh việc này là căn cứ trên bản đồ số. Chính vì vậy diện tích khu đô thị mới Thủ Thiêm phải có một phần diện tích phường Bình Khánh, An Khánh và Bình An. "Đất có bao nhiêu đó không thể nở ra. Đất ba phường chỉ có 563 ha và phần còn lại thuộc 3 phường trên. UBND quận sẵn sàng tạo điều kiện cho tư vấn độc lập để đo đạc lại nếu người dân cần".

Luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho các hộ dân nói rằng, trong dự án này có "lợi ích nhóm" và đề nghị Chủ tịch Nguyễn Thành Phong làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhất là công ty đo vẽ bản đồ của dự án.

"Anh là luật sư đại diện cho các hộ dân, anh không có cơ sở quy kết dự án có lợi ích nhóm. Về mặt quản ý Nhà nước chúng tôi sẽ rà soát và kiểm tra xử lý", Chủ tịch UBND TP "chỉnh" lập luận của ông Hải.

Nói với các hộ dân, giọng ông Phong chậm rãi: "Lý ra tôi phải gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người sớm hơn vào tháng 4 nhưng công việc quá nhiều. Hơn nữa tôi mới nhận nhiệm vụ chính thức cuối năm 2015, công việc liên tục nên hôm nay mới tiếp xúc được. Tôi xin lỗi bà con về sự trễ nãi này".

Ông Phong cho biết dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay đã chi bồi thường hỗ trợ 99,97%, với diện tích gần 716/719 ha (đạt tỉ lệ 99,45%). Tính đến ngày 9/6 còn lại 87 hồ sơ chưa thu hồi mặt bằng (gồm 83 hộ dân và 4 cơ sở tôn giáo).

Với những hộ khiếu nại về quy hoạch, thu hồi đất và đền bù giải tỏa, ông Phong cho rằng giữa người dân và cơ quan chức năng hiểu khác nhau về tài liệu và chứng cứ nên người dân quan niệm khu vực bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước không nằm trong quy hoạch dự án.

Vấn đề này ông Phong giao Thanh tra TP phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc đối thoại với dân, sau đó báo cáo với UBND TP để giải quyết. Về việc người dân không đồng thuận ranh thu hồi đất, ông Phong yêu cầu Chánh Thanh tra TP HCM phối hợp với Sở Tài Nguyên Môi Trường giải quyết.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng yêu cầu UBND quận 2 rà soát các trường hợp bồi thường thiệt hại và những trường hợp còn thắc mắc để giải quyết.

chu-tich-ubnd-tp-hcm-xin-loi-nguoi-dan-khu-do-thi-moi-thu-thiem-1

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát các khiếu nại của người dân, nhanh chóng giải quyết. Ảnh: Ngọc Hậu

Ban quản lý khu Thủ Thiêm xác định, trong 5 năm (2016-2020) sẽ tập trung xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp của thành phố và của khu vực. Từ đây, tạo bước đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển toàn diện, bền vững của thành phố trong giai đoạn mới.

Bên cạnh các hạng mục đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế, các dự án hạ tầng xã hội đã có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cũng được xúc tiến nhanh. Trong đó có Trung tâm thông tin triển lãm và quy hoạch (diện tích khoảng 0,6 ha); dự án Bảo tàng tổng hợp (1,7 ha) đã giao Sở Văn hóa - thể thao làm chủ đầu tư; dự án xây Cung văn hóa thiếu nhi (3,9 ha) giao Thành đoàn làm chủ đầu tư...

Theo quy hoạch được phê duyệt, khu đô thị mới Thủ Thiêm có 24 cầu bắc qua các kênh rạch. Hiện, đã triển khai đầu tư 16 cầu (thuộc dự án 4 tuyến đường chính; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc; dự án khu lâm viên sinh thái phía nam và các cầu kết nối khu II - khu III và bắc qua rạch Cá Trê Nhỏ).

Một cầu trong khu chức năng 2c và 2 cầu nối khách sạn nghỉ dưỡng đô thị với khu dân cư 38,4 ha Bình Khánh dự kiến sẽ giao cho các nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện. Còn lại 5 cầu dự kiến sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tổng mức đầu tư dự kiến của 5 cầu này khoảng 672 tỷ đồng.

Theo Ngọc Hậu (VnExpress.net)

Nổi bật