Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, các cơ quan chức năng phải đồng cảm với bà con hàng rong vì "đằng sau mỗi gánh hàng rong là cuộc sống của cả một gia đình".
Sáng 15/6, Thường trực UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp sơ kết về tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm. Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Phong yêu cầu lãnh đạo các quận huyện tìm giải phát căn cơ để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.
Theo ông Phong, trong điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ, việc thực hiện văn minh đô thị không thể làm trong một sớm, một chiều. Ông Phong cũng yêu cầu các quận chủ động có phương án riêng để tái bố trí nơi kinh doanh mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… cho những hộ bán hàng rong, đặc biệt là lao động nghèo.
“Hôm qua họp bên quận 1, đồng chí Chủ tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh có báo cáo nhiều bà con bán rong, chỉ gánh xôi, xe bánh mỳ, bán mỗi ngày 2-3 tiếng thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Chúng ta phải đồng cảm với sự mưu sinh của bà con vì đằng sau mỗi gánh hàng rong là cuộc sống của cả một gia đình.
Nên dẹp ngay hình ảnh lực lượng trật tự xuất hiện là hàng rong nháo nhác bỏ chạy. Chúng ta không đẩy đuổi hàng rong mà sắp xếp, bố trí người dân vào kinh doanh buôn bán ở các khu vực ổn định, hiệu quả cao hơn”, ông Phong lưu ý.
Tại hội nghị sơ kết công tác trật tự đô thị trên địa bàn quận 1 trong 5 tháng đầu năm diễn ra chiều 14/6, bà Đỗ Thị Trúc Ly, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 1 cho biết “cơn lốc vỉa hè” ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Hội đã khảo sát hơn 270 hộ nghèo, tổ chức các lớp học nghề miễn phí. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương bán hàng rong đã lớn tuổi, học vấn thấp, không có phương tiện đi lại nên nhiều cơ sở tuyển dụng lao động không muốn nhận. Nhiều trường hợp vay nóng, thu nhập từ việc làm mới không đủ trả nợ.
Lãnh đạo UBND phường Nguyễn Thái Bình kể: Có chị lớn tuổi, xin rửa chén cho một quán ăn, làm chậm nên bị chủ quán la hoài. Bà con bán hàng rong chạy ăn từng bữa, dù được học nghề miễn phí nhưng trong thời gian học nghề chưa biết sống bằng gì. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ.
Theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, từ ngày 16/1 đến ngày 14/4, các cơ quan liên ngành của quận đã lập biên bản vi phạm 230 ô tô. Các phường đã tổ chức ra quân, lập biên bản trên 7.000 trường hợp vi phạm. Người dân tự giác tháo dỡ hơn 3.000 vật cản, cao gấp 2 lần so với cưỡng chế. Đã có 116 tuyến/134 tuyến đường trên địa bàn quận thông thoáng từ 80%.
Ông Thuận cho biết đã thành lập hai tổ kiểm tra công vụ do lãnh đạo UBND quận trực tiếp phụ trách để trực tiếp kiểm tra việc thi hành công vụ 10 phường trong quận. Quận yêu cầu các hộ ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè và sẽ xử lý nghiêm, kể cả rút giấy phép các cơ sở kinh doanh cố tình lấn chiếm lòng lề đường.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)