Bộ GTVT tạo điều kiện cho doanh nghiệp nạo vét
Cụ thể ngày 16/3, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản số 2702 với nội dung như sau: Ngày 9/3/2017, Bộ GTVT nhận được văn bản số 55 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ), kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu.
Bộ GTVT cũng nhận được Văn bản số 303 ngày 8/3/2017 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc tạm dừng thi công dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, Dự án đoạn từ km1+000 đến km30+000.
Về vấn đề này, Bộ GTVT có ý kiến như sau: Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại văn bản số 172 ngày 13/02/2017, kết quả khảo sát hiện trạng dự án.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh (Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở TN&MT, Sở NN&PTNN, Sở GTVT, UBND huyện Quế Võ) và đơn vị tư vấn độc lập đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc Dự án và có 3/4 vị trí chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế.
Vì vậy, Bộ GTVT đã có văn bản số 1689 ngày 22/02/2017 đề nghị UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng.
Phạm vi của Dự án có một số đoạn cạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản số 3392 chấp thuận cho phép gia hạn thực hiện Dự án tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2017.
Theo Thông báo số 76 ngày 03/3/2017 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tải tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, liên quan đến Dự án trên, tại khoản 5 của Thông báo, có nội dung: “Theo báo cáo của của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên địa bàn tỉnh còn một số đoạn tuyến chưa đạt chuẩn tắc, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của các phương tiện thủy. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra đánh giá, lập phương án nạo vét tại những vị trí chưa đạt chuẩn tắc để tiến hành nạo vét”.
Chờ ý kiến chấp thuận của địa phương
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: Quang Toàn |
Theo Văn bản 2702, ngày 16/3/2017, hiện, Bộ GTVT đã yêu cầu dừng dự án nạo vét luồng lạch tại sông Cầu, địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, Bộ GTVT tiếp tục tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa quốc gia.
Việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia tại các đoạn cạn không đảm bảo chuẩn tắc, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là cần thiết.
Bộ GTVT cho rằng, khi có ý kiến thống nhất chủ trương của địa phương, thực hiện lập dự án và phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện việc đăng ký sản phẩm tận thu với địa phương thì dự án mới được ký hợp đồng thi công và thực hiện theo quy định.
Trong quá trình thực hiện dự án, cần được quản lý, giám sát chặt chẽ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và sự đồng thuận, phối hợp của địa phương.
Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại văn bản số 303 ngày 08/3/2017, Bộ GTVT thống nhất theo ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc tạm dừng thi công dự án. Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương phối hợp với Sở GTVT Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo Bộ GTVT các nội dung liên quan đến dự án theo văn bản số 55 ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành ngày 9/3 đã ký Công văn số 55/UBND–NT.TN nêu nội dung liên quan đến dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Về việc này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản đề nghị dừng thực hiện dự án. Tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trên toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định; không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. “Để đảm bảo an ninh trật tự nông thôn do các Cty thực hiện chưa đầy đủ các quy định, đề nghị Bộ GTVT không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu”, công văn nêu.
Trong khi đó, ngày 10/2, UBND tỉnh nhận được đơn kiến nghị của 17 chủ phương tiện tàu thủy phản ánh đoạn sông Cầu có nhiều đoạn cạn, gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa đi lại của các phương tiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh làm việc trực tiếp với ông Trần Bình và 16 hộ đồng đứng đơn. Theo xác định của công an, các phương tiện thủy nội địa lưu thông của 17 chủ phương tiện là không đúng quy định về trọng tải. Cụ thể, tuyến sông Cầu là sông III, phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn được di chuyển vào nhưng toàn bộ 17 phương tiện nói trên đều có trọng tải từ 498 tấn đến 888 tấn. Các hộ dân cũng xác nhận việc viết đơn kiến nghị là do thiếu hiểu biết, chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật và không có ý kiến gì khác.
Tuy nhiên, ngày 2/3, UBND tỉnh Bắc Ninh lại nhận được các văn bản: số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22/02/2017 (do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký); số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 1/3/2017 của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu. UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các văn bản này không đúng tinh thần buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/02/2017.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện việc sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện dự án theo Thông báo kết luận số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. “Riêng tỉnh Bắc Ninh đề nghị không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu”, công văn nêu. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ T.Ư đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Minh Đức (Tiền Phong)