Chủ tịch Thanh Hóa: 'Tỉnh không đồng ý việc làm bánh giầy 3 tấn'

26/02/2018 21:47:30

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định tỉnh này không đồng ý với đề xuất làm bánh giầy kỷ lục của TP Sầm Sơn.

Liên quan đến việc TP Sầm Sơn có đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép dâng bánh giầy nặng 3 tấn tại Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018, tối 26/2, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định tỉnh này sẽ không đồng ý với đề xuất trên.

Theo ông Xứng, sáng cùng ngày Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã có văn bản cụ thể trả lời UBND TP Sầm Sơn về việc này.

"TP Sầm Sơn vẫn sẽ thực hiện Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy truyền thống như hàng năm chứ không được làm gì đột biến”, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa nói.

Chủ tịch Thanh Hóa: 'Tỉnh không đồng ý việc làm bánh giầy 3 tấn'
Chiếc bánh giầy kỷ lục nặng hơn 2 tấn được người dân Sầm Sơn làm vào đầu năm 2017. Ảnh: N.D. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, xác nhận trước đó UBND TP Sầm Sơn có đề xuất sẽ làm bánh giầy kỷ lục dâng lên vua Hùng. Sau đó, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa tham mưu nhưng Sở này vẫn chưa có ý kiến.

"Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là đồng ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc này là không cần thiết, tỉnh không đồng ý với đề xuất của UBND TP Sầm Sơn", ông Quyền khẳng định. Ông thông tin thêm TP Sầm Sơn sẽ vẫn duy trì Lễ hội Bánh chưng - Bánh giấy truyền thống. Lễ hội này đã có hàng trăm năm nay.

Trước đó, vào ngày 2/2, UBND TP Sầm Sơn có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép làm bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn, nguyên liệu từ gạo nếp.

Đến ngày 22/2, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất của UBND TP Sầm Sơn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước 8/3.

Chủ tịch Thanh Hóa: 'Tỉnh không đồng ý việc làm bánh giầy 3 tấn' - 1
Trước nhiều ý kiến trái chiều, UBND tỉnh Thanh Hóa không đồng ý cho TP Sầm Sơn huy động hàng trăm người làm bánh giầy kỷ lục như đầu năm 2017. Ảnh: N.D.

Ngày 26/2, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết việc UBND TP Sầm Sơn đề nghị làm bánh giầy 3 tấn mới chỉ là ý tưởng, còn thực hiện hay không thì còn phải chờ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trả lời Zing.vn, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí. Đây là việc không cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa khẳng định việc TP Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy 3 tấn mấy ngày qua gây dư luận không tốt bởi hiện Thanh Hóa còn nhiều người nghèo.

Vào tháng 3/2017, ngư dân Sầm Sơn đã góp tiền làm một chiếc bánh giầy kỷ lục, lớn nhất Thanh Hóa từ trước đến nay. Bánh được làm từ 1,8 tấn gạo nếp, đúc kết trong khung sắc có đường kính 2,17 m, cao gần 1 m.

Công đoạn làm bánh được dân địa phương cùng nhau thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công trong 2 ngày. Sau khi hoàn thành, chiếc bánh có trọng lượng hơn 2 tấn và được vận chuyển bằng xe tải đến đền Độc Cước.

Họ dâng bánh lên vị thần Độc Cước nhằm mong ước cho một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi bình an, tàu thuyền đầy ắp tôm cá sau mỗi chuyến đi.

Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy truyền thống tại Sầm Sơn:

Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 11-13/5 âm lịch, tại Sầm Sơn. Lễ hội này được tổ chức với mục đích tôn vinh tổ nghề dệt xúc và thờ thần Độc Cước của người bản địa và hy vọng cho một mùa màng tươi tốt, ra khơi đánh bắt bình an và mong sao cho mưa thuận gió hòa.

Một trong những phần đặc sắc nhất của lễ hội là cuộc thi làm bánh chưng, bánh giầy xem ai có tài nhất. Mục đích của cuộc thi chỉ để vui là chính, thắng thua không quan trọng.

Những chiếc bánh giầy có đường kính khoảng 30 cm và các bánh chưng có mỗi cạnh 40 cm được làm một cách chu đáo từ khâu đầu cho tới khâu cuối, đã trải qua rất nhiều công đoạn như chọn gạo, đậu, thịt, lá gói đến kỹ thuật chế biến rồi sau đó được đặt sang trọng trên những chiếc kiệu và được dân làng đưa về tế lễ ở khu vực đền Ðộc Cước.

Sau nghi thức, những chiếc bánh chưng, bánh giầy được các đội thi cùng nhau chấm điểm để xem đội nào làm bánh có mùi vị ngon nhất. Sau khi lễ hội kết thúc, bánh được chia đều cho người dân bản địa để họ cùng nhau hưởng lộc, phúc để trong năm gặp nhiều may mắn và bình an.

Theo Nguyễn Dương (Tri Thức Trực Tuyến)