Theo tờ trình của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chủ trương "đất đổi đất" cho các hộ dân bị mất đất rừng do triển khai dự án nêu trên. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới cấp được 324 ha (tổng nhu cầu là 1.342 ha) cho người dân bởi quỹ đất lâm nghiệp có hạn. Do vậy, đời sống người dân trong vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, phát sinh khiếu kiện đông người kéo dài. Hiện dự án cần thêm 77 tỷ đồng để đền bù cho người dân, vì vậy Chính phủ kiến nghị được sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.
Theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, hạng mục bồi thường, di dân tái định cư không nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, xét tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiếu số bị thu hồi đất nông nghiệp 10 năm nay gặp nhiều khó khăn, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét "quyết" cho Chính phủ sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu liên quan đến dự án Hồ Tả Trạch, nhằm xử lý dứt điếm tình trạng khiếu kiện kéo dài của người dân.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc Chính phủ được thu hồi 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng dự án Hồ Tả Trạch còn thừa, để bổ sung cho hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng với người dân từng sinh sống trong lòng hồ.
Dự án hồ Tả Trạch gây khiếu kiện kéo dài nhiều năm. |
Giải trình trước Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận trách nhiệm sai sót khi dự án phải nhiều lần điều chỉnh các hạng mục, chậm tiến độ nhiều năm. "Chúng tôi nghiêm túc nhận khuyết điểm", ông Hoàng Văn Thắng nói.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chia sẻ về trách nhiệm địa phương trong việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng, áp dụng chủ trương đổi đất với dân trong khi diện tích đất lâm trường hạn chế.
"Quốc hội yêu cầu các bộ ngành và địa phương liên quan rút kinh nghiệm sâu sắc để không xảy ra tình trạng tương tự. Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phê bình địa phương đã không giải quyết dứt điểm việc đền bù giải phóng mặt bằng, "để người dân quá khổ 10 năm nay". Cùng với đó, trách nhiệm của bộ, ngành là thẩm định dự án còn sơ sài.
"Chính phủ phải chỉ đạo các bộ ngành thực hiện đúng nghị quyết, không để sợi dây kinh nghiệm rút hoài, kéo dài từ năm này qua năm khác không hết", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)