Chủ tịch Quốc hội: "Chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng"

26/06/2015 08:00:06

Khẳng định việc Trung Quốc xây đắp tại các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam là đe dọa hòa bình, ổn định, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền.

Khẳng định việc Trung Quốc xây đắp tại các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam là đe dọa hòa bình, ổn định, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền. Ảnh: Giang Huy.

 
“Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo”, người đứng đầu Quốc hội nói.

Vấn đề chủ quyền biển Đông tiếp tục được nhắc lại tại Họp báo công bố kết quả kỳ họp vào chiều cùng ngày. Trả lời câu hỏi về mong muốn của người dân Quốc hội sẽ ra Nghị quyết trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, biển Đông là vấn đề phức tạp. Khi đại biểu kiến nghị, Quốc hội đã yêu cầu và Chính phủ đã báo cáo về biển Đông tại phiên họp kín chiều 5/6.

“Việc Trung Quốc xây các bãi ngầm không thay đổi được chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Quan điểm cá nhân, tôi tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề trên và Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi tình tình, ra nghị quyết nếu thấy cần thiết”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Giang Huy.
 
Nói tới trường hợp đại biểu Châu Thị Thu Nga, ông Nguyễn Sinh Hùng cho hay, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu với bà này. “Quyết định khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân”, ông Hùng nêu.

Trường hợp bà Nga, theo ông Phúc, là điều đáng tiếc và Quốc hội sẽ rút kinh nghiệm cho việc bầu cử khóa tới, nhất là sau khi Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thông qua tại kỳ họp này.

Kỳ họp thứ 9 kéo dài hơn một tháng đã thông qua 11 luật, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương, Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân... Kỳ họp cũng thông qua 9 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 15 dự án luật. Lần đầu tiên, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm 15 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.


>> Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 chính thức bế mạc
>>
Quốc hội phê chuẩn 15 thẩm phán tòa án nhân dân tối cao
>> Giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí phía tây bắc Hoàng Sa

Theo Võ Hải (VnExpress.net)