Căn nhà cấp 4 của Chủ tịch huyện
Căn nhà nhỏ 3 gian cũ kỹ nằm trên con đường dọc sông Bồ. Trời Huế mưa không ngớt, nước bắt đầu dâng lên như mấy hôm trước. Bên ngoài, người thân và hàng xóm đã dựng xong rạp, chờ nhận thi hài của ông Bình về làm đám tang. Không khí đau buồn và thương xót, nước lũ lại tràn vào nhà, chứng kiến cảnh đó, không ai có thể kìm được nước mắt.
Từ ngày nghe tin ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) gặp nạn trên đường cứu hộ thuỷ điện Rào Trăng 3, dòng người vẫn lặng lẽ tìm đến nhà ông, chia buồn trước sự ra đi đột ngột của vị lãnh đạo gần dân.
Dù là Chủ tịch huyện, nhưng ông Bình vẫn sống trong căn nhà cấp 4 của cha mẹ xây từ những năm 1990. Cứ mỗi lần mưa lớn, cả gia đình lại cõng mẹ già 75 tuổi "chạy lũ". Căn nhà vẫn còn dấu vết của cơn lũ trước, chưa kịp mất, lại vừa đón thêm đợt lũ mới. Trong nhà, không có tài sản gì giá trị, ngoài giường, tủ, ghế và chiếc ti vi cũ kỹ.
Đến phụ giúp gia đình ông Bình dọn dẹp bùn đất sau khi nước lũ vừa rút, bà Thu (hàng xóm) cho biết, cả tuần nay, nước lũ dâng cao khiến cả làng chìm trong biển nước. Riêng nhà ông Bình nước ngập hơn cả mét. Dù mẹ già đang đổ bệnh nhập viện, nhưng ông vẫn gác lại chuyện riêng, dồn toàn bộ thời gian đi cứu trợ người dân.
"Tuần vừa rồi, khi nước lũ lên, tôi chỉ thấy Ny (vợ ông Bình) tất bật dọn đồ đạc và nhà cửa trước và sau khi nước rút. Hỏi ra mới biết, do trên địa bàn huyện có nhiều xã đang bị ngập sâu, ông Bình bận đi cứu hộ dân bị ngập lụt. Một người cán bộ giản dị, vì người dân mà liều mình rồi hy sinh. Xót xa quá!", bà Thu nghẹn ngào.
Cũng theo bà Thu, những ngày lũ tràn sông Bồ vào làng, cứ mỗi sáng, bà Ny lại lội bộ đến từng nhà để mang đèn pin của hàng xóm đi sạc giúp. Chiều tối, bà lại cầm về cho bà con thắp sáng trong những đêm cúp điện. Sống ở làng, ai ai cũng quý mến vợ chồng vị chủ tịch huyện gần dân này.
Chủ tịch vừa mới nhận chức được 45 ngày
Một hàng xóm khác là ông Nguyễn Xuân Đức cho biết, ông Bình vừa nhận chức Chủ tịch UBND huyện Phong Điền được 45 ngày. Mặc dù là người đứng đầu một huyện, nhưng ông Bình lại có cuộc sống rất giản dị, luôn hòa đồng với hàng xóm. Từ khi nghe tin ông Bình tử nạn, nhiều người dân rất đau buồn và thương tiếc.
"Dù là quan chức nhưng ông Bình rất thân thiện và được lòng bà con lối xóm. Ai trong làng có việc nhờ giúp đỡ, ông luôn giúp đến nơi đến chốn. Những ngày mưa lũ, tôi thấy ông Bình luôn đi công tác, tham gia chỉ đạo cứu hộ lũ lụt trên địa bàn. Rồi đến chiều 13/10, khi đang dọn dẹp nhà cửa thì tôi sửng sốt khi nghe tin ông Bình gặp nạn nhưng vẫn không tin đây là sự thật", ông Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Đức, ông Bình là con trai duy nhất, sống cùng mẹ già, vợ và 2 con (một học lớp 7, một học lớp 8). Cách đây 8 năm, cha ông mắc bệnh ung thư, tuy được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đã không qua khỏi.
Còn mẹ ông, do tuổi cao, sức yếu lại thêm bệnh xương khớp nên... "nằm viện như cơm bữa". Tối 16/10, gia đình đã đưa bà vào Bệnh viện Quân y 286 để gặp mặt con trai lần cuối. Tuy nhiên khi chưa thấy mặt con, vì quá đau buồn nên bà đã ngất xỉu và được chuyển đi bệnh viện.
"Nói Chủ tịch huyện vậy, chứ Bình vẫn đang còn trả nợ tiền vay mượn để chữa bệnh của cha và nuôi mẹ già đủ thứ bệnh tật thì lấy đâu ra tiền mà xây nhà to được. Tôi đang lo, nhiều ngày tới Huế mưa to nước sông Bồ lên lại ngập nhà của Bình...", ông Đức trăn trở.
Nhận chức được 2 tháng, trong những cuộc họp gần đây, ông Bình luôn thúc giục anh em rà soát toàn bộ những điểm lũ, không để người dân thiếu đói.
Là cấp dưới của ông Bình, ông Hoàng Nguyễn Vĩnh Lộc (trú thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) kể, trong công việc, ông Bình là một lãnh đạo giỏi và rất gần dân. Ông tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ bão lũ.
"Dù là lãnh đạo nhưng anh ấy rất giản dị và sống rất tình cảm. Giờ Bình ra đi đột ngột, để lại vợ, 2 con nhỏ và người mẹ già yếu. Rồi đây, không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao nữa", ông Lộc nói.
Hôm đó, vừa từ vùng lũ Phong Bình quay về, khi đi trên thuyền, ông Bình nhận điện thoại của ai đó. Vẻ mặt ông lúc này căng thẳng, rồi vội ăn tạm gói mì tôm, đến thẳng Văn phòng Huyện ủy Phong Điền. Đó là buổi họp để cứu hộ công nhân thuỷ điện rào Trăng 3, do Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Đó là bữa ăn trưa cuối cùng của vị chủ tịch. Lúc đi Rào Trăng, chiếc áo anh mặc trên người cũng là đồ mượn lại của một cán bộ Huyện ủy Phong Điền, vì trước đó toàn thân ông ướt sũng.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10, tuy nhiên trên đường tiếp cận nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, đoàn cứu hộ cứu nạn không may gặp lở đất. Sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, đến tối 15/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 thi thể của đoàn công tác và đưa về Bệnh viện Quân y 268 (TP. Huế) để chờ làm lễ truy điệu.
Theo Hà Nam - Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)