Chủ tịch Hà Nội: Không có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh

20/03/2015 08:16:35

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.

Gốc cây hoa sữa đang được di dời tại đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Như Ý.


Đã thay 500 cây trên 9 tuyến phố

Ngày 19/3, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn về đề xuất của Sở Xây dựng cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện từ năm 2015-2017, dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng. Theo lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, đây là số cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông. Trong số đó cũng có nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các đơn vị liên quan  và UBND các quận khảo sát và báo cáo.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện đã thay thế được khoảng 500 cây trên 9 tuyến phố. Trong số các cây được thay thế có nhiều cây to, lượng gỗ sẽ được Cty Công viên cây xanh thu hồi sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách. “Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này”, ông Dục cho biết.

“Thành phố vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận, nhân dân để tiếp thu, rà soát lại thực tiễn triển khai đề án cải tạo, thay thế cây xanh và triển khai cho hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ của nhân dân”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Trước lý giải của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Thảo, do việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có cả một “đề án, chiến dịch” chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. “Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này”, ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người. Ông Thảo cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn. “Chủ trương này không vì lợi ích của một cá nhân nào, mà dựa trên cơ sở cái gì có lợi cho dân thì làm. Những ý kiến nào đóng góp đúng thành phố sẵn sàng tiếp thu, khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp thực tế”, ông Thảo nói.

Ảnh hưởng môi trường

Theo tìm hiểu, Đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện từ tháng 9/2013, trong đợt cải tạo sẽ chặt hạ những cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, sai quy hoạch, nghiêng, cong xấu, cản trở giao thông; trồng lại cây thay thế theo loài cây chủ đạo của tuyến phố; bó vỉa gốc cây; hoàn trả vỉa hè; phát triển cây xanh tầm thấp trên dải phân cách, đảo giao thông, trụ cầu, gầm cầu… Tiêu chuẩn cây trồng thay thế được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra có chiều cao từ 6-8 m, đường kính thân cây (tại vị trí 1,3 m tính từ mặt đất) tối thiểu 10 cm.

Cây được trồng thay thế phải thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh, có hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm. Tuyến phố dài 2 km chỉ trồng một loại cây, có thể trồng 2 loại cây nếu đường dài trên 2 km. Cây trồng thành hàng khoảng cách từ 5-10 m…  “Riêng đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau. Do sự thiếu đồng bộ này nên Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ số cây này bằng cây vàng tâm và thành phố Hà Nội đã chấp thuận”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng Đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng quá sơ sài, chưa được lấy ý kiến rộng rãi. Ít nhất trong đề án đưa ra, phải có bản đồ xác định vị trí từng cây chứ không thể thống kê chung chung như vậy. Theo KTS Thanh Tùng, về nguyên tắc, việc thay đổi cây, chặt cây chỉ làm trong các trường hợp, cây già cỗi, sâu mục ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trường hợp thứ hai là những loại cây không còn phù hợp cho phát triển đô thị. Nhưng đó là việc làm thường xuyên chứ không phải đưa ra một mục tiêu chặt hạ, trong đó có hàng nghìn cây cổ thụ thì hoàn toàn không hợp lý. Ông Tùng cho hay: “Ở nhiều đô thị, cây xanh còn là biểu trưng của từng vùng. Như Hải Phòng, đặc trưng bởi hoa phượng đỏ. Riêng ở Hà Nội, cuối thế kỷ 19, người Pháp quy hoạch lại cây cho khu phố cũ, từ đó những cây này trở nên đặc trưng. Đó là cây hoa phượng ở đường Lý Thường Kiệt, nơi có trường Đại học Tổng hợp - tượng trưng cho mùa thi. Lò Đúc là những hàng cây sao đen thẳng đứng, xanh tốt, yên bình đến mức cò đậu về làm tổ. Phan Đình Phùng với những hàng cây sấu rợp bóng…”.

GS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản, lo ngại về ô nhiễm không khí, môi trường, hệ sinh thái đô thị. “Việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh sẽ làm mất đi hệ điều hoà không khí, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt người già và trẻ em”, GS Huỳnh khẳng định.

Gần 7.000 người ký thư ngỏ về dự án thay thế cây xanh
 
Trước những lo ngại về dự án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị Hà Nội, một số công dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã soạn thảo một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu giải đáp những thắc mắc cho công chúng. Sau khi bức thư xuất hiện trên trang web www.tutela.vn/6700cayxanh, đã có gần 7.000 người ký tên. Cùng lúc, một bộ phim tài liệu mang tên “6.700 người vì 6.700 cây xanh” đang được thực hiện bởi CLB Điện ảnh kiến trúc.

>> Hà Nội đã chặt hạ xong cây trên một số đường
>> Hà Nội: Hầu hết người dân đều ủng hộ chặt hạ 6.700 cây xanh!
>> Vụ chặt 6.700 cây xanh: Chủ tịch Hà Nội gửi thư trả lời ông Trần Đăng Tuấn

Theo Tú-Hoàng (Tiền Phong)

Nổi bật