Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng thông tin, dự án nạo vét duy tu luồng đường thuỷ nội địa kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện, được Cục đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông phê duyệt năm 2014.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin đến báo chí. Ảnh: Bá Đô |
Dự án hoạt động trong các năm 2015, 2016, và được chấp thuận của UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, Bắc Ninh có văn bản gửi các bộ liên quan đề nghị dừng ngay việc thực hiện dự án. Lý do là quá trình triển khai đã có biểu hiện lợi dụng việc thực hiện nạo vét để khai thác cát, gây bức xúc cho người dân.
Cụ thể, từ tháng 3/2016, phần đê hữu sông Cầu thuộc địa bàn huyện Quế Võ xuất hiện nhiều điểm sạt lở chiều dài 50 m, ăn sâu vào các bãi sông. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do Công ty Hạ Lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng lạch kết hợp tận thu sản phẩm.
Để khắc phục hậu quả việc sạt lở, từ năm 2016, Bắc Ninh đã phải chi ngân sách 30 tỉ đồng làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở thuộc địa bàn huyện Quế Võ.
Từ cuối năm 2016 đến nay, mặc dù tỉnh Bắc Ninh không đồng ý nhưng tỉnh Bắc Giang lại có chủ trương ngược lại nên dự án trên vẫn được thực hiện.
"Từ việc tỉnh ngăn cản và đề nghị dừng các dự án dẫn đến một số trường hợp nhắn tin đe doạ lãnh đạo", thông báo của tỉnh Bắc Ninh nêu.
Lãnh đạo Công an Bắc Ninh thông tin về tin nhắn đe dọa lãnh đạo tỉnh |
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Công an Bắc Ninh cho biết: "Qua xác minh ban đầu, một số trường hợp có hành vi nhắn tin đe doạ cán bộ, thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận được tin nhắn đe dọa".
Theo ông Long, Chủ tịch tỉnh đã chuyển giao tin nhắn đó cho cơ quan điều tra, Công an tỉnh đã lập chuyên án để làm rõ các trường hợp, do là tài liệu nghiệp vụ nên chưa công bố.
Bắc Ninh đã chi 30 tỷ đồng để làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở ở huyện Quế Võ. Ảnh: Bá Đô |
Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc, ngoài dự án nêu trên, nhiều người dân phản ánh tình trạng hút cát trái phép diễn ra triền miên trong thời gian qua với số lượng lớn, tỉnh có biện pháp gì để ngăn chặn, ông Hùng nói: "Huyện Quế Võ báo cáo trên đê Hữu Cầu số lượng 20-25 tàu, xã Quế Tân có 13-23 tàu hoạt động ở địa bàn giáp ranh tỉnh Bắc Giang. Các tàu này đều nằm trong dự án khơi thông đường thuỷ và cho rằng Bắc Giang cấp phép nên đã cắm vòi xuống sông Cầu hút cát gây bất bình cho người dân"
Trước việc này, UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập tổ công tác ngăn chặn với 84 người, trực cả ngày và đêm ở 9 xã trên địa bàn huyện Quế Võ.
Phó chủ tịch Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho hay, địa bàn tỉnh có 3 con sông chạy qua, tình hình khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp. Có thời điểm chính quyền chưa kịp phát hiện, nhân dân hai bên sông đã tự giải quyết dẫn đến vụ đốt tàu gây chết người năm 2010 ở huyện Quế Võ (nơi giáp ranh với Bắc Giang).
Theo ông, đã xuất hiện các dự án lợi dụng khơi thông luồng lạch để tận thu cát dưới lòng sông gây ảnh hưởng rất lớn đến đê điều.
“Quan điểm của Bắc Ninh là phải ngăn chặn bằng được các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Thành nhấn mạnh.
Dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Ảnh: Bá Đô |
Trước đó, tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông đề nghị tiếp tục tạm dừng dự án nêu trên; đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc "các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa" cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh sự việc nêu trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3.
Theo Bá Đô - Quang Chiến (VnExpress.net)