Chủ tàu đoạt súng, đối mặt nhóm bắn chết ngư dân ở Trường Sa

02/12/2015 19:09:07

Thấy ông Bảy trúng hai phát đạn khi đang định chặt dây neo, ông Cu lao tới giằng co, đoạt được khẩu súng ném đi rồi túm chân tên cầm súng hất xuống biển.

Thấy ông Bảy trúng hai phát đạn khi đang định chặt dây neo, ông Cu lao tới giằng co, đoạt được khẩu súng ném đi rồi túm chân tên cầm súng hất xuống biển.

Sáng 2/12, không khí tang thương bao trùm lên xóm chài nghèo ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Trong ngôi nhà của ngư dân Trương Đình Bảy (45 tuổi), những tiếng khóc của người thân vang vọng, từng đoàn người lau nước mắt trước di ảnh ông Bảy.
 
Thắp nén nhang cho người bạn biển xấu số, ông Bùi Văn Cu (45 tuổi) nhớ lại thời điểm cùng 13 thuyền viên rời đất liền ra Trường Sa lặn bắt hải sản ngày 21/11. Đến ngày 25/11, tàu đến khu vực nằm ở phía tây nam đảo Cỏ May, bắc đảo Tiên Nữ và phía đông đảo Vành Khăn (quần đảo Trường Sa, Việt Nam).
 

Lúc xảy ra vụ việc chỉ có ông Cu và ngư dân Bảy ở trên tàu. Ảnh. Tiến Hùng.

Khoảng 18h ngày 26/11, ông Cu cho neo tàu lại. Do sức khỏe yếu nên ông Bảy ở lại tàu lo hậu cần, trong khi con trai ông, anh Trương Đình Đệ (21 tuổi) cùng 11 thuyền viên khác dùng ghe nhỏ tỏa đi các hướng lặn bắt hải sâm.

"Trời chập choạng tối. Bất ngờ, tôi thấy hai chiếc canô chở theo 8 người lao về phía tàu của mình. Một chiếc lượn bên ngoài, chiếc kia cập vào mạn tàu rồi 3 người nước ngoài, cầm theo một khẩu súng nhảy lên", ông Cu vẫn chưa hết bàng hoàng kể. "Đoán có chuyện, tôi nổ máy và hét anh Bảy chặt dây neo để bỏ chạy".

Nhân chứng duy nhất cho hay, lúc đó tên cầm súng đứng cách ông Bảy khoảng 3m, bắn nhiều phát uy hiếp. Thấy tên này chĩa súng hướng về ông Bảy, ông Cu đang đứng trong khoang lái hét lớn nhưng không kịp.

"Nó bắn hai phát vào người anh Bảy. Thấy vậy, tôi thả tay lái lao ra nắm được cây súng đẩy nòng hướng lên trời. Giằng co ở mạn thuyền một lúc, tôi giật được súng của nó rồi liệng xuống biển", ông Cu kể.

"Ném súng xong tôi túm chân tên này rồi hất xuống biển. Tôi xông tới phía hai tên còn lại đang loay hoay trên mạn tàu. Tuy nhiên, có vẻ chúng cũng đang hốt hoảng nên nhảy xuống nước bơi về canô", ông Cu nói và cho hay những tên này cao khoảng 1,6 m và không nói gì kể từ lúc xông lên tàu.

"Khi đã kéo máy chạy nhanh, chiếc canô kia vẫn chạy bám theo tàu chúng tôi. Tôi vừa lái vừa lau máu cho anh Bảy và tìm cách báo hiệu cho anh em đang đánh bắt ngoài kia", thuyền trưởng nói.
 

Các thuyền viên phờ phạc về đến đất liền sau 5 ngày lênh đênh trên biển. Ảnh. Tiến Hùng.

"Chúng tôi đang đánh bắt thì thấy ông Cu rọi đèn pin và thấy tàu chạy rất nhanh. Nghĩ có chuyện chẳng lành, chúng tôi lập tức tìm cách quay lại tàu", ngư dân Nguyễn Tấn Pha nói. Trèo lên tàu, anh Pha cùng các thuyền viên khác thấy ông Cu khóc thảm thiết còn ông Bảy nằm trên vũng máu.

"Con anh Bảy hoảng loạn lao tới ôm chầm lấy bố, cố gắng cứu chữa nhưng không còn kịp, cậu ấy gào khóc. Anh em chúng tôi cũng không ai cầm được nước mắt", anh Pha bùi ngùi.

Những ngư dân sau đó điện icom báo tin buồn về với gia đình rồi đem thi thể ông Bảy bảo quản trong hầm đá. Ông Cu lái tàu chạy về đảo Song Tử Tây, tuy nhiên do biển động nên phải đổi hướng. Đến 3h sáng 28/11, tàu ông Cu cập vào đảo Đá Nam, trình báo toàn bộ sự việc với lực lượng chức năng rồi chạy thẳng về đất liền.

Sau 5 ngày lênh đênh, 4h30 sáng 1/12, các thuyền viên với khuôn mặt phờ phạc về tới đất liền. Trên bờ, hàng chục người thân gào khóc đón thi thể ngư dân xấu số. Khoảng 100 người gồm nhiều lực lượng như Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an tỉnh Quảng Ngãi, Viện kiểm sát... có mặt lúc tàu gặp nạn về bờ.
 

Thân nhân gào khóc đón nhận thi thể ngư dân xấu số. Ảnh. Tiến Hùng.

Sau khi tiếp nhận tàu, ghi lời khai người chứng kiến, Biên phòng bàn giao tử thi cho Công an tỉnh Quảng Ngãi khám nghiệm. Các lực lượng cũng phối hợp điều tra dấu vết hiện trường còn sót lại trên tàu. "Thời điểm này chỉ có thể nói ngư dân Bảy tử vong do hai phát đạn. Ghi nhận có 5 vết đạn ghim vào các vật dụng và thân tàu, 4 vỏ đạn cũng được thu giữ để điều tra", thượng tá Tạ Thiên Tài, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chiều 1/12 cho biết, ngay khi nhận tin tàu ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa, khiến một thuyền viên thiệt mạng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven Biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này.

"Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam", ông Bình nói.
 

Hội nghề cá Việt Nam khẳng định: "Hành động trên là phi pháp, vô nhân đạo, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây mất ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của ngư dân khi đi biển". Hội nghề cá cực lực phản đối hành động phi pháp, vô nhận đạo của tàu nước ngoài và "phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị bắn chết", tiến sĩ Võ Văn Trác, Phó chủ tịch Hội nói.

Cục trưởng Cục kiểm ngư Lê Văn Huy cho biết, Cục đã cử người vào làm việc với các đơn vị có liên quan xác minh thông tin, thăm hỏi gia đình nạn nhân. Ông Huy cũng khẳng định, hành động dùng vũ lực tấn công, bắn chết ngư dân ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không thể chấp nhận, dù đó là lực lượng chấp pháp của nước ngoài hay bất kỳ lực lượng nào.

Theo ông Huy, khi gặp sự cố, ngư dân cần báo cáo ngay với lực lượng chấp pháp nước mình như biên phòng, chi cục khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngư dân có thể gọi cho trung tâm cứu hộ, cứu nạn hàng hải hoặc trung tâm thông tin kiểm ngư.
 
>> Người trên tàu cá Philippines bắn chết ngư dân Việt Nam
>> Đau đớn đón thi thể thuyền viên bị bắn ở Trường Sa về đất liền
>> Tàu đưa thi thể ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa đã về bờ
>> Phản đối hành động dã man giết hại ngư dân ở Trường Sa
Theo Tiến Hùng (VnExpress.net)

Nổi bật