Ngày 21/9, Công an phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã triệu tập chủ shop giày dép có hành vi chửi mắng, dọa gọi giang hồ "đập chết" nữ sinh đến đòi tiền lương. Đồng thời, đơn vị này đã chuyển hồ sơ vụ việc lên cơ quan công an quận xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, tối 20/9, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ sinh bị chủ cửa hàng giày mắng nhiếc, vung tay tát vào mặt khi tìm đến cửa hàng xin lại tiền lương sau khi nghỉ việc khiến nhiều người xôn xao.
Từ ngày 21/9, cửa hàng giày nơi xảy ra vụ việc trên phố Nguyễn Quý Đức đóng cửa. Liên hệ vào số điện thoại được ghi trên biểu hiệu nhưng chủ thuê bao đã khoá máy.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, dư luận cần lên án mạnh mẽ hành vi vô lương tâm, thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật của nữ chủ shop nói trên. Việc chửi bới, đe dọa, tát vào mặt nữ nhân viên được xem là đã xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm người khác.
Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Mức độ hình phạt phụ thuộc vào động cơ mục đích, hành vi và hậu quả gây ra đối với nạn nhân.
"Nếu kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy hành vi đánh chửi, xúc phạm danh dự nhân phẩm nhân viên không chỉ một lần mà diễn ra liên tục, gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương nặng nề về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì có thể xử lý hình sự người phụ nữ này về tội Cố ý gây thương tích, tội Làm nhục người khác hoặc tội Hành hạ người khác tùy thuộc vào động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả cụ thể... " - Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự, Cơ quan công an cũng vẫn có thể áp dụng quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về "Xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội" để xử phạt hành chính người phụ nữ này, với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Quá trình xác minh của cơ quan công an cũng sẽ làm rõ về hoạt động kinh doanh của cửa hàng giày dép. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, về lao động (vi phạm quy định về hợp đồng lao động, về bảo hiểm, về thuế) cũng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: "Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định hành vi của chủ hiệu giày vi phạm quy định của Bộ luật lao động về việc trả lương cho người lao động thì cũng cần phải xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 13, Nghị định 95/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Cụ thể như sau: "Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động... theo một trong các mức sau đây: a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động".
Ngoài ra, chủ shop còn phải bị áp dụng "Biện pháp khắc phục hậu quả", buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định.
Theo Minh Nhân (Nhịp Sống Việt)