Chủ quan, mưa lũ miền Trung làm 65 người chết, mất tích

02/12/2016 17:12:00

2 đợt mưa lớn giữa tháng 10 và đầu tháng 11 gây ra thiệt hại lớn, khiến 65 người chết, mất tích và cuốn trôi hơn 7.200 tỉ đồng.

 

2 đợt mưa lớn giữa tháng 10 và đầu tháng 11 gây ra thiệt hại lớn, khiến 65 người chết, mất tích và cuốn trôi hơn 7.200 tỉ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thiệt hại trong 2 đợt mưa lũ vừa qua là nghiêm trọng khi có tới 65 người chết, mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính gần 7.200 tỉ đồng.

Chủ quan, mưa lũ miền Trung làm 65 người chết, mất tích
Người dân Hương Khê, Hà Tĩnh phải trèo lên nóc nhà tránh lũ trong đợt lũ giữa tháng 10

Trong đó riêng đợt mưa lũ tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế vào ngày 13-18/10 khiến 38 người chết, riêng Quảng Bình 21 người, Hà Tĩnh 9 người.

Tổng lượng mưa đo được trong 6 ngày tại nhiều nơi xấp xỉ 1.000mm, vượt giá trị lịch sử. Cá biệt tại Đồng Hới trên 1.050mm, gây lũ lớn trên các sông từ Hà Tĩnh – Quảng Bình, vượt BĐ3 từ 2-3m, tương đương lũ lịch sử 2010.

Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xảy ra ngập lụt diện rộng, ngập sâu 4-5m trong 3-4 ngày liên tiếp.

Đợt mưa thứ 2 tiếp tục quét từ Quảng Bình đến Tây Nguyên, trong đó Phú Yên thiệt hại nặng nhất với 7 người chết, Quảng Bình 3 người.

Để giúp nhân dân khắc phục mưa lũ, Chính phủ đã xuất cấp hơn 4.400 tấn lương thực cho các tỉnh từ Thanh Hoá – Quảng Bình, trong đó Nghệ An được cấp hơn 2.000 tấn, Nghệ An gần 1.000 tấn, Quảng Bình 1.500 tấn.

Địa phương chủ quan 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra 7 hạn chế trong 2 đợt mưa lũ lớn vừa qua. Trong đó nhấn mạnh, một số địa phương bị động, thậm chí chủ quan trong ứng phó mưa lũ.

Bằng chứng, rất nhiều người chết và mất tích không phải tại những khu vực nguy hiểm.

Chủ quan, mưa lũ miền Trung làm 65 người chết, mất tích
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá một số địa phương còn chủ quan trong phòng chống mưa lũ

Ngoài ra công tác dự báo dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Với công tác vận hành xả lũ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh than, kể từ khi có thuỷ điện Hố Hô, việc phòng chống lũ thường xuyên bị động do thượng lưu chưa có hệ thống quan trắc, hạ du chưa có báo động ngập lụt.

Tỉnh này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương đánh giá lại toàn diện việc này.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc vận hành xả lũ còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du.

“Như thuỷ điện Hố Hô, dù công suất nhỏ nhưng xả lũ không báo. Quy trình như thế là chưa ổn”, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ.

Phó Thủ tướng nói rõ, xả lũ là trách nhiệm của chủ hồ và địa phương. Nếu phối hợp không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm. Ông đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để xử lý.

Ông cũng nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua tại một số nơi còn chậm.

“Đợi làm xong thủ tục rất lâu, người dân đã vượt qua khó khăn rồi. Giờ phải khắc phục, vừa đúng quy chế nhưng phải làm sao hỗ trợ kịp thời nhất. Địa phương phải hết sức chủ động việc này”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, đề nghị các địa phương sớm có nghiên cứu đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn chống lũ để có kế hoạch khôi phục lại, song song với việc rà soát lại toàn bộ quy hoạch thoát lũ của mỗi địa phương và của liên vùng nhất là khi thiên tai, mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)

Nổi bật