Theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá với 11 biển số ô tô của 10 tỉnh, thành phố vào ngày 15/9.
Sau thời gian đấu giá, biển số ô tô 51K-888.88 có giá trúng cao nhất là 32,340 tỷ đồng; giá trúng thấp nhất là 650 triệu đồng, thuộc về biển số 15K-188.88.
Tại buổi đấu giá đầu tiên của phiên đấu giá biển số ô tô thứ nhất cũng ghi nhận, biển số 30K-555.55 được trả giá đến 14,120 tỷ đồng, còn biển số 30K-567.89 được trả 13,075 tỷ đồng.
Tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 82,3 tỷ đồng.
Cũng theo Cục CSGT, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được kết quả, biên bản, danh sách người trúng từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an sẽ ban hành văn bản phê duyệt kết quả.
Bộ Công an sẽ gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng ngay sau khi phê duyệt kết quả.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm có thông báo kết quả, người trúng phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an sẽ cấp hoá đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng để làm thủ tục đăng ký xe.
Các trường hợp bị hủy kết quả đấu giá
Tại Điều 19 của Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô, kết quả đấu giá bị hủy trong các trường hợp quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Thêm vào đó, người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá bị huỷ trong các trường hợp sau:
Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định.
Người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá theo quy định của Nghị quyết số 73/2022.
Người trúng đấu giá vi phạm về tính trung thực của hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.
Khi bị hủy kế quả đấu giá, biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại, số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô
Theo Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô, quyền của người trúng đấu giá gồm: Được cấp văn bản xác nhận biển số xe trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền; được đăng ký biển số ô tô trúng đấu giá gắn với xe thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số xe này hoặc nơi người trúng đăng ký thường trú, đặt trụ sở.
Đồng thời, được giữ lại biển số xe trúng đấu giá trong trường hợp ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu.
Ngoài ra, người trúng đấu giá biển số được cấp lại biển trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá khi bị mất, bị mờ, hỏng.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký ô tô để gắn biển số trúng đấu giá, thì biển này được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được nhận số tiền người trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá.
Đại diện Cục CSGT cho rằng, đấu giá biển số ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân đăng ký biển số theo sở thích. Việc khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý xe với tiêu chí cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an lấy người dân làm trung tâm phục vụ, là nguồn lực, động lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)