Liên quan đến ngôi nhà bị nghiêng nói trên, sáng nay (9/8), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà Phạm Đỗ Thanh Thùy để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này. Bà Thùy cho biết, gia đình bà đã mua ngôi nhà 4 tầng nói trên vào năm 1999 với giá khoảng hơn 500 triệu đồng của một người đàn ông tên Phúc. Đến năm 2009, gia đình bà Thùy phát hiện ngôi nhà mình bị nghiêng do để đồ vật hình cầu dưới nền nhà bị lăn về phía một bên tường. Thời điểm này, gia đình Thùy cũng được nghe chủ nhà kế bên (nhà số 179) nói cũng bị nghiêng sang nhà bà.
Bà Thùy chỉ vị trí nền nhà bị sụt lún. |
“Chủ nhà bên cạnh còn phát hiện bị nghiêng trước nhà tôi, vì hệ thống nước họ thiết kế chảy sang nhà bên cạnh, nhưng lại cứ chảy sang nhà tôi. Năm 2009, tôi có mời một người trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng đến xem xét ngôi nhà tôi, họ nói phải được sự đồng ý của những nhà kế bên thì mới tiến hành “nắn” lại nhà tôi được. Nhưng thời gian đó, mấy nhà hàng xóm họ không đồng ý sửa lại, nên gia đình tôi cũng không làm cách nào được, đành tiếp tục liều ở” – bà Thùy cho biết.
Cũng theo bà Thùy, đến ngày 2010 gia đình bà đã làm đơn kiến nghị tới UBND phường Ô Chợ Dừa, lãnh đạo phường có triệu tập cuộc họp 4 gia đình (nhà số 177, 179, 181, 183) nhưng các hộ này không thống nhất được phương án tháo dỡ.
Đến năm 2011, gia đình bà Thùy tiếp tục làm đơn lên UBND quận Đống Đa, sau đó đại diện các phòng ban của quận này có xuống triệu tập cuộc họp với các hộ gia đình liên quan, yêu cầu gia đình bà Thùy phải mời đơn vị thẩm định chất lượng về để đánh giá hiện trạng ngôi nhà. Gia đình bà Thùy đã mời một công ty chuyên về kỹ thuật xây dựng đến thẩm định, nhưng đại diện công ty này nói phải có sự đồng ý của những hộ liền kề mới tiến hành lấy mẫu được. Nhưng tại thời điểm này, các hộ liền kề vẫn không đồng ý nên gia đình bà Thùy một lần nữa không thực hiện được việc này.
Chính quyền địa phương không quyết liệt xử lý?
Khoảng tháng 9/2015, căn biệt thự Pháp cổ trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) đổ sập làm 2 người chết, nhiều người bị thương. Sự cố việc này có lẽ đã làm những hộ dân cạnh nhà số 177 “giật mình”, nên khi UBND phường Ô Chợ dừa triệu tập cuộc họp để bàn phương án tháo dỡ thì đã nhận được sự đồng ý của các hộ này.
Đơn "cầu cứu" của bà Thùy gửi lên UBND TP Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo bà Thùy, ngay khi 3 hộ dân nói trên đồng ý cùng tháo dỡ thì chính quyền địa phương lại không quyết liệt tiến hành ngay. Đầu năm 2016, chủ nhà số 181 đã bán ngôi nhà này cho một người khác và đến nay chủ mới nhà số 181 lại không đồng ý tháo dỡ, dẫn đến tình trạng kéo dài, khó giải quyết như hiện nay.
“Năm 2012 nhà nghiêng quá nên gia đình tôi đã chuyển đi nơi khác thuê ở cho an toàn. Mặc dù có nhà nhưng bây giờ gia đình tôi mỗi tháng vẫn phải bỏ ra 9 triệu đồng để thuê nhà. Tôi không ở đây nữa nhưng vẫn lo lắng lắm, cứ hôm nào mưa bão là không ngủ được chỉ sợ nhà mình đổ sập xuống vào ai đó thì ân hận lắm.
Hôm 8/8 tôi có mang đơn kiến nghị lên UBND TP Hà Nội để mong cơ quan chức năng có cách nào giúp tôi tháo dỡ ngôi nhà để xây lại, sống yên ổn phần đời còn lại. Nhưng thành phố nói mang đơn về phường, quận, giờ tôi chẳng biết làm sao” – bà Thùy chia sẻ.
Ngày 9/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, cho biết, đơn vị thẩm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa đề cương thẩm định hiện trạng 2 ngôi nhà 177 và 179. Ngay khi có đề cương này, UBND phường Ô Chợ dừa đã báo cáo lên UBND quận Đống Đa để xin ý kiến.
Theo Nguyễn Dương - Gia Khánh (Dân Trí)