Cụ thể, nhiều ý kiến phản hồi về việc các chủ khách sạn yêu cầu giữ lại CCCD của khách rồi mới giao phòng, việc giữ CCCD này khiến nhiều người lo ngại về tính bảo mật cá nhân. Nhiều người đặt vấn đề - liệu thu giữ CCCD như trên có đúng luật?
Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, về tình huống trên đã được quy định rất rõ trong luật Căn cước công dân. Luật này quy định, CCCD là giấy tờ tùy thân dùng để chứng minh nhân thân của công dân và dùng vào các thủ tục hành chính khác.
"Quá trình xin việc hay làm thủ tục thuê phòng nghỉ, chủ cơ sở hay lễ tân không có quyền giữ CCCD của khách mà chỉ yêu cầu xuất trình để kiểm tra thông tin", đại diện C06 thông tin.
Cụ thể, theo quy định chỉ những cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD. Đây là quy định không mới, đã được đề cập đối với chứng minh thư nhân dân trước đó.
Nhiều người đặt vấn đề khi xuất trình thẻ CCCD gắn chíp sẽ dễ bị lộ lọt thông tin cá nhân, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khẳng định "rất khó" để đánh cắp thông tin trong CCCD gắn chíp.
Cục C06 cho biết, chính vì CCCD gắn chíp tích hợp rất nhiều trường thông tin quan trọng của công dân để dùng vào các thủ tục hành chính nên đã được ứng dụng tiêu chuẩn bảo mật tiên tiến nhất trên thế giới. CCCD gắn chíp không bị theo dõi hay đọc trộm thông tin trên thẻ.
"Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có thiết bị đọc các thông tin trên CCCD gắn chíp để sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính", đại diện C06 thông tin.
Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)