Vì cách chơi na ná giống đa cấp nên người chơi và các “thủ lĩnh” của hụi Tụ Hiền cho rằng đây là hình thức chơi hụi tiên tiến nhất thế giới. Như đã nói ở 2 kỳ trước, hình thức chơi hụi Tụ Hiền không hề giống cách chơi hụi thông thường. Cách chơi hụi thông thường được hiểu như sau: Thứ nhất, bầu chủ hụi. Thứ hai, khống chế số lượng người chơi. Thứ 3, thỏa thuận số tiền chơi. Thứ 4, bốc thăm để xem ai lấy hụi trước, ai lấy sau.
Một người đang môi giới chơi hụi. Ảnh: Hùng Sơn |
Chủ hụi hàng tháng có trách nhiệm đi thu tiền của các thành viên rồi trao cho người nhận ở những tháng tiếp theo. Dĩ nhiên, với trách nhiệm này, chủ hụi sẽ được hưởng chút hoa hồng theo sự thỏa thuận của các thành viên. Điều 8, nội dung thỏa thuận về họ của Nghị định 144 nói: “Tùy theo từng loại họ, những người tham gia họ có thể thỏa thuận về các nội dung sau đây: Chủ họ, số người tham gia, phần họ, kỳ mở họ, thể thức góp họ và lĩnh họ, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia họ, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, việc chuyển giao phần họ, việc ra khỏi họ, chấm dứt họ và các nội dung khác”.
Như vậy, sự “tiên tiến” của hình thức chơi hụi Tụ Hiền được nhận biết như sau: Thứ nhất, chủ hụi không được các thành viên bầu ra mà “tự phong”. Thứ hai, chủ hụi không chốt được thành viên tham gia. Thứ ba, mọi thành viên tham gia vào hụi Tụ Hiền không được quyền thỏa thuận mà phải tuân thủ “luật chơi” mà chủ hụi soạn sẵn nội dung trong “đơn đăng ký trở thành hội viên” và “bản thỏa thuận”.
Người chơi cầm dao đằng lưỡi?
Với cách trả luôn tiền “tươi” và tiền “héo” khi một người tham gia chơi giới thiệu tối thiểu 3 người khác chơi như đã nói ở bài “Bỏ 12 triệu đồng chơi hụi, một năm “ẵm”...637,7 tỷ đồng”, hụi Tụ Hiền đã thực sự gây sốc và tạo lên cơn lốc chơi hụi trong thời gian gần đây. Những người chơi như “mờ mắt” bởi những khoản tiền đem lại, họ không biết hoặc không cần biết những điều khoản “chết người” mà chủ hụi (như lời thừa nhận của ông Anh Tuấn- chủ hụi là “có sự tư vấn của nhiều luật sư”) đã “gài” vào, đẩy người chơi ở thế cầm dao đằng lưỡi?
Làm việc với chúng tôi, ông Anh Tuấn khẳng định, người chơi phải giới thiệu được tối thiểu trực tiếp ba người nữa tham gia chơi và có đóng hụi phí cho hụi Tụ Hiền thì mới được tham gia tiếp tục. Nếu không giới thiệu được người chơi thì số tiền tham gia, chủ hụi sẽ được hưởng. Tuy nhiên, điều khoản “chết người” này, được đưa ra hết sức mềm mại, khôn khéo ở “bản thỏa thuận” như sau: “Bên B (người chơi) cam kết sẽ nỗ lực giới thiệu trực tiếp tối thiểu là ba hội viên chính thức có tham gia đóng hụi phí cho Hội quán”.
Ông Anh Tuấn : “Khi nào tôi biến mất thì hụi mới vỡ”. Ảnh: Hùng Sơn |
Chưa hết, chủ hụi tỏ ra “không phải dạng vừa đâu” khi tất cả những cam kết trả tiền “tươi” và “héo” như đã nói ở trên hoàn toàn không đưa một chữ nào trong “bản cam kết”. Tất cả chỉ là nói mồm với nhau. Rất khó bắt bẻ chủ hụi nếu ai đó đâm đơn kiện chủ hụi ra tòa để đòi quyền lợi của mình. Người chơi đã thò bút ký vào “bản cam kết” với những điều khoản có lợi cho chủ hụi đã soạn sẵn là buộc phải chấp nhận “luật chơi” của chủ hụi, là chấp nhận đưa chuôi dao cho chủ hụi cầm?
Những khoản tiền khổng lồ chảy vào túi chủ hụi
Ông Mai Hoàng Anh Tuấn- chủ hụi, một người có khuôn mặt nom khá phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ rất dễ gây thiện cảm cho biết, ban đầu ông chỉ áp dụng chơi với các nhân viên trong Cty, nhưng sau đó mọi người thấy hay hay nên khuyên ông nên mở rộng mô hình ra ngoài. Ông Tuấn đã nhờ các luật sư tư vấn về pháp lý rồi bắt đầu mở chơi ở TP HCM rồi Hà Nội và một số tỉnh khác.
Ông Tuấn khảng khái nói, mục đích của ông khi mở đường dây hụi này là để giúp đỡ mọi người làm giàu. Tuy nhiên, sự thật sau câu nói đầy nhân văn, có trách nhiệm với cộng đồng đó thì sao? Ông Tuấn thu tiền của người chơi thế nào?
Thứ nhất, khi tham gia chơi, người chơi phải đóng 100 nghìn đồng lệ phí (nếu 10 nghìn người chơi, ông Tuấn có 1 tỷ đồng). Thứ hai, cứ 1 triệu đồng giao dịch trong đường dây hụi, ông Tuấn “cắt phế” 200 nghìn đồng đồng (20%). Nếu 100 tỷ đồng được giao dịch, ông Tuấn bỏ túi 20 tỷ đồng. Thứ 3, trong “bản thỏa thuận” ghi rõ: “Bên B (người chơi) sẽ trích ra mỗi tháng 1 triệu đồng, từ tháng thứ 2 trở đi, trong phần hụi phí mà bên B nhận để đảm bảo quyền lợi cho bên B từ năm thứ 2 trở đi”. Nghĩa là, khi A tham gia chơi mà giới thiệu được 3 người chơi và có đóng đủ phí, 3 người này cũng giới thiệu được 9 người khác tham gia chơi, thì đến tháng thứ 2, 9 người này đóng hụi, A sẽ nhận về 7,2 triệu đồng. Số tiền này A phải để lại 1 triệu đồng cho chủ hụi gọi là tiền “ký quỹ”. Và các tháng tiếp theo khi A nhận được tiền thì đều phải nộp lại 1 triệu đồng như vậy.
Với hình thức chơi cực kỳ đơn giản, thu tiền của người sau để trả cho người trước còn mình là chủ hụi, ông Tuấn cứ rung đùi “cắt phế” 20% tiền giao dịch của người chơi, đó là chưa kể các khoản tiền khác. Khi được hỏi, liệu cách thức chơi như thế, có đảm bảo cho hụi Tụ Hiền tồn tại được lâu dài, ông Tuấn tuyên bố: “Khi nào tôi biến mất thì hụi mới vỡ”. Vậy thưa các thành viên tham gia hụi Tụ Hiền, khi nào ông Tuấn biến mất, các vị có biết không?
Ông Tuấn cho rằng, cách chơi này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Tuấn không trả lời được các câu hỏi của chúng tôi là theo Nghị định 144 dù hình thức hụi nào cũng “chốt” số lượng người tham gia, trong khi đó hụi Tụ Hiền thì không thể biết được sẽ có bao nhiêu người chơi. Chưa hết, tại sao ông Tuấn nói một đằng nhưng “bản thỏa thuận” lại “ốp” người chơi một nẻo (như đã phân tích trong bài) và điều quan trọng hơn, với hình thức chơi hụi kiểu đa cấp, tốc độ phát triển như cơn lốc, bao nhiêu người vì tham mà có thể trở thành nạn nhân khi hụi vỡ? |
Điều 479, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau: “Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”. |