Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 30 cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được tham gia kiểm định xe cơ giới, trao đổi với PV VietNamNet, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam nhìn nhận đây là chủ trương đúng đắn.
“Các đại lý bảo hành của các hãng cũng đầy đủ trang thiết bị, sẽ tận dụng được hạ tầng sẵn có này. Quan trọng hơn, chủ trương này mang lại sự thuận tiện cho khách hàng”, ông Quyết nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do vấn đề quá mới, dù Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã gửi văn bản cho các thành viên nghiên cứu nhưng ông Quyết cho biết “đến nay chưa đơn vị nào phản hồi sẽ tham gia”.
Theo ông Quyết, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô nếu đăng ký thêm dịch vụ đăng kiểm sẽ cần những điều kiện gì?.
“Nếu vẫn đòi hỏi các yếu tố như những trạm đăng kiểm chuyên nghiệp: các thiết bị kiểm tra tập trung trên một dây chuyền, theo chuỗi quy trình thì chắc chắn sẽ khó cho các đại lý.
Vì trong hệ thống các đại lý dù có sẵn các trang thiết bị kiểm tra nhưng lại nằm rải rác ở các khu vực sửa chữa hoặc khu vực kiểm tra chuyên biệt mà không tập trung một chỗ.
Do đó, các đại lý cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Chúng tôi cho rằng nên có những buổi trao đổi để doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu”, ông Quyết nêu vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Quyết khó khăn lớn nhất đối với các đại lý bảo hành là yếu tố nhân sự. “Các đại lý phải cân nhắc vì điều kiện để trở thành đăng kiểm viên đòi hỏi rất cao: tốt nghiệp đại học chuyên ngành, trải qua thời gian dài thực hành, thi sát hạch cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
Do đó, nếu làm thêm dịch vụ này thì các đại lý không biết sẽ bố trí nhân sự chuyên làm đăng kiểm hay kết hợp công việc khác”, ông Quyết nói.
Đánh giá cao chủ trương này, ông Quyết cho rằng đây cũng là dịp để các đại lý có trách nhiệm hơn với khách hàng, sửa chữa đảm bảo đủ tiêu chuẩn đăng kiểm. Đồng thời, hệ thống các trung tâm đăng kiểm hiện hữu sẽ phải thay đổi tác phong phục vụ, nâng cấp hệ thống trang thiết bị.
“Hiện nhiều xe đời mới hệ thống an toàn gồm rất nhiều thứ, không chỉ đơn giản kiểm tra theo mấy bước thông thường. Các trang thiết bị đại lý của các hãng đầy đủ hơn thì việc kiểm tra, kiểm định cho phương tiện chính xác hơn”, ông Quyết dẫn chứng.
Không đồng tình với quan điểm "chưa chắc các cơ sở bảo dưỡng đã mặn mà" bởi theo ông Quyết, thị trường ô tô tại Việt Nam dự báo tăng trưởng vẫn tốt, nhu cầu cao.
“Vừa qua các trạm đăng kiểm có nhiều xáo trộn, đây cũng là dịp để sàng lọc lại. Có thể có đại lý không mặn mà tham gia dịch vụ đăng kiểm nhưng chắc chắn có cơ sở quan tâm. Theo đó, những đại lý có lượng xe vào lớn, vị trí thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ muốn đầu tư, thực hiện dịch vụ kiểm định", ông Quyết dự báo.
Trong khi đó, trao đổi với một loạt các ga-ra sửa chữa ô tô lớn tại Hà Nội, hầu hết các chủ doanh nghiệp cho biết, chưa nghĩ đến việc sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực đăng kiểm. Lý do được các cơ sở này đưa ra “để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phải đảm bảo nhiều yếu tố”.
Chủ một ga-ra ô tô quận Cầu Giấy bày tỏ: “Chúng tôi cũng chưa biết có thể tận dụng những thiết bị có sẵn hay phải đầu tư mới hệ thống dây chuyền và được bố trí ở một khu vực riêng để làm dịch vụ đăng kiểm?.
Trung bình mỗi dây chuyền kiểm định có giá vài tỷ, nếu bắt buộc đầu tư mới thì phải cân nhắc. Đặc biệt, nếu yêu cầu khu vực đăng kiểm tách biệt với sửa chữa, bảo dưỡng thì cần một diện tích đủ lớn. Đây thực sự là vấn đề khó thực hiện đối với cơ sở chúng tôi”.
Theo N.Huyền (VietNamNet)