Chủ đầu tư rối bời khi biết GWIS là 'trường ma'

20/04/2018 13:37:48

Tin tưởng vào sự kiểm định của Bộ Giáo dục, nhà đầu tư đổ tiền vào chương trình liên kết với GWIS nhưng hiện không thể tuyển sinh.

Chiều 19/4, đại diện các trường học liên kết với George Washington International School (GWIS) từ Đồng Tháp, Phú Yên, Đăk Lăk... tập trung ở trường Tiểu học - THCS - THPT Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tìm cách xử lý khủng hoảng sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng hợp tác với GWIS. 

Trường Newton liên kết đào tạo với GWIS từ năm 2012, sau đó chương trình được nhân rộng ở 13 tỉnh thành. Giữa tháng 4/2018, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khẳng định không thể tìm thấy GWIS trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, của bang Florida hay California, hai bang trường khai đặt trụ sở.

Tin tưởng Bộ Giáo dục nên mới liên kết với GWIS

Bà Trần Thị Thiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học - THCS - THPT Victory ở Đăk Lăk đặt vé máy bay ra Hà Nội ngay đêm 18/4, sau khi nhận công văn từ Sở Giáo dục. Bà muốn trao đổi với người đứng đầu trường Newton, tìm cách tiếp cận với Bộ Giáo dục để trình bày khúc mắc của mình. 

Từ năm 2017, qua giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng quản trị GWIS, bà Thiết biết nhiều học sinh trường Newton theo chương trình liên kết đã nhận được học bổng du học. Nghĩ trường Newton nổi tiếng ở Hà Nội, chương trình liên kết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bà tin tưởng và quyết định hợp tác. 

Chủ đầu tư rối bời khi biết GWIS là 'trường ma'
Bà Trần Thị Thiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Tiểu học - THCS - THPT Victory ở Đăk Lăk. Ảnh: Thùy Linh

Trên cơ sở được Bộ Giáo dục cho phép, Sở Giáo dục đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk thống nhất triển khai chương trình. Chính Sở ký kết hợp đồng với GWIS, lấy Victory là trường thí điểm, cho phép học sinh học chương trình đào tạo của Mỹ.

“Hồ sơ pháp lý của trường GWIS đầy đủ, được công an tỉnh thẩm định, chương trình hoạt động rất tốt. Họ có thiếu giấy tờ gì không thì tôi không biết, nhưng rất yên tâm về chất lượng giảng dạy của giáo viên”, bà Thiết nói.

Giáo viên được GWIS gửi về, trường Victory chỉ thỏa thuận điều kiện, lương bổng và thời gian làm việc. Trường Victory mời giáo viên đến nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, phỏng vấn, chuyển hồ sơ lên công an tỉnh, xin giấy phép hoạt động của Sở Lao động, làm thủ tục visa đầy đủ trước khi bắt đầu giảng dạy.

Đến nay, khoảng 500 em, tức 30% học sinh trường Victory gần hoàn thiện hai học kỳ theo chương trình liên kết. Thông tin GWIS là “trường ma” khiến bà Thiết không biết phải trả lời phụ huynh như thế nào. Sở và Bộ Giáo dục không đưa ra chỉ đạo nào khác ngoài việc yêu cầu ngừng hợp tác.

Dù chưa thực hiện chương trình liên kết với GWIS ngày nào, ông Nguyễn Thành Chung, chủ đầu tư ở Phú Yên vẫn chung bức xúc với bà Thiết. Bỏ ra hơn một tỷ đồng và bốn tháng sửa ngôi trường cũ ở Phú Yên, ông chờ GWIS gửi giáo viên bản xứ về, chuẩn bị cho đợt tuyển sinh năm học mới.

“Tôi đã in tờ rơi, ghi chữ George Washington ở trường, bây giờ lại bảo là trường ma thì ai tới? Tôi rất xấu hổ và chỉ muốn gỡ biển xuống sớm”, ông chia sẻ.

Chủ đầu tư rối bời khi biết GWIS là 'trường ma' - 1
Ông Nguyễn Thành Chung sửa sang trường, lên chương trình đào tạo liên kết nước ngoài nhưng hiện không thể tuyển sinh. Ảnh: Thùy Linh

Là người gốc Khánh Hòa, ông Chung trước đó muốn đầu tư chương trình GWIS ở Nha Trang. Sau khi xin Sở Giáo dục, được UBND tỉnh cho phép, giấy tờ được gửi ra Bộ. Tuy nhiên, Bộ không đồng ý cho triển khai ở Khánh Hòa, chỉ trả lời đang xem xét. Ông quyết định chuyển sang đầu tư tại Phú Yên, nơi ông có đủ giấy tờ hợp pháp để thực hiện dự án. 

“Một người dân như tôi, khi muốn đầu tư vào cái gì đều dựa vào tính pháp lý của Việt Nam. Giờ nhìn vào ba công văn được Sở, Bộ và tỉnh cho phép, tôi phải nghĩ thế nào? Số tiền tôi bỏ ra, không triển khai chương trình nữa thì ai trả lại cho tôi? Tôi chấp nhận mất tiền nhưng với điều kiện phải có câu trả lời xứng đáng với người đầu tư”, ông Chung nói.

Nhà đầu tư này khẳng định nếu không có công văn, hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giáo dục thì sẽ không dám đầu tư. Vấn đề pháp lý đúng hay sai phải đợi phía Mỹ về làm việc rõ ràng thì Bộ mới đưa ra kết luận, không thể lập tức gửi công văn yêu cầu ngừng.

Mong GWIS đối chất với Bộ 

Thành lập được hai năm, trường Victory ở Đăk Lăk mong muốn tạo môi trường tốt nhất để học sinh tiếp xúc với tiếng Anh. Ngoài chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam, trường tổ chức chương trình IELTS nhằm giúp học sinh có nguyện vọng du học nước ngoài đạt điểm từ 5.0 trở lên, và chương trình liên kết với GWIS để các em giao tiếp với người bản xứ.

Bà Thiết xác định người dân Tây Nguyên thu nhập thấp nên chương trình liên kết nước ngoài phải có mức giá hợp lý. Rất nhiều trường giới thiệu với Victory về chương trình của mình, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng và chi phí quá cao. Trong khi đó, chi phí của GWIS rẻ hơn nhiều. 

Ở trường Victory, phụ huynh cấp 1 phải trả 1,6 triệu một tháng, cộng thêm 400.000 nếu theo chương trình GWIS và 700.000 tiền ăn. Học phí cấp 2 tăng 500.000 và cấp 3 tăng 500.000 nữa.

Theo bà Thiết, học sinh theo chương trình GWIS không ảnh hưởng gì đến các môn văn hóa khác, vào vòng thi học sinh giỏi tiếng Anh với tỷ lệ cao. Trường hợp xấu nhất, nếu trường GWIS bị đình chỉ, phụ huynh vẫn mong muốn giữ chương trình học tiếng nước ngoài.

Ông Trần Quốc Bình, nhà đầu tư, giám đốc điều hành chương trình GWIS ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang phải bù lỗ dù đã hoạt động từ tháng 12/2015. 

“Phụ huynh rất phấn khởi, học sinh tiến bộ vượt bậc nhưng chúng tôi thì méo mặt. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phụ huynh tiền ít quá, chúng tôi thu học phí rất thấp, còn thua mấy trung tâm ngoại ngữ. Giai đoạn đầu, để phụ huynh tin tưởng vào chương trình, chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn phải bù lỗ”, ông nói.

Chủ đầu tư rối bời khi biết GWIS là 'trường ma' - 2
Ông Trần Quốc Bình cho biết vẫn phải bù lỗ khi thực hiện chương trình liên kết với GWIS từ 2015. Ảnh: Thùy Linh

Đến nay, hơn 400 học sinh Đồng Tháp tham gia chương trình, có thể nói chuyện thoải mái với người nước ngoài, đạt nhiều giải về tiếng Anh. 7-8 giáo viên của GWIS được chuyên viên tiếng Anh của phòng, sở dự giờ và đánh giá tốt. 

“Học sinh và nông dân vùng hai lúa chúng tôi không thật sự quan tâm đến bằng tú tài. Họ muốn học cho tốt, có năng lực ngoại ngữ để làm việc. Có bao nhiêu người có tiền để đi học tiếp cao đẳng, đại học ở Mỹ đâu”, ông nói.

Ông Bình và những nhà đầu tư, lãnh đạo trường học quyết ở lại Hà Nội chờ đại diện GWIS về đối chất với Bộ Giáo dục trong tuần sau. Ông muốn đại diện GWIS giải trình, chứng minh để cơ quan công quyền của Việt Nam có đủ cơ sở kết luận, tiếp tục chương trình đào tạo liên kết.

"Chúng tôi sẽ ở đây và tìm cách xin gặp Bộ, mong muốn sự việc được minh bạch. Quyết định vừa qua của Bộ ảnh hưởng tài chính một phần nhưng nghiêm trọng hơn là tác động xấu đến việc học tập của các em. Chưa kể, nếu không làm đúng quy trình, nước ngoài sẽ không dám đầu tư vào Việt Nam", ông Bình nói. 

George Washington International School (GWIS) vừa bị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khẳng định không thể tìm thấy trên bất kỳ danh sách nào của Cục An ninh nội địa Mỹ, của bang Florida hay California, hai bang trường khai đặt trụ sở.

Tuy nhiên, từ năm 2012, trường Tiểu học - THCS - THPT Newton đóng tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), đã liên kết đào tạo chương trình "du học tại chỗ" với GWIS. Ngoài trường này, GWIS liên kết đào tạo song bằng với các trường học tại 13 tỉnh thành Việt Nam, với cam kết "bằng có giá trị quốc tế, được các đại học Mỹ công nhận".

Ngày 18/4, Bộ Giáo dục tiếp tục ra văn bản yêu cầu các địa phương có trường học liên kết đào tạo với GWIS dừng hợp tác với đơn vị này.

Theo Thùy Linh (VnExpress.net)

Nổi bật