Lấn hồ, xây biệt thự giữa rừng phòng hộ
UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa ra văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ - đặc dụng trong tháng 11/2018.
Theo đó, đại diện UBND huyện Sóc Sơn, trong 18 công trình này, hiện có 3 hộ là ông Phạm Đức Thắng, Đỗ Việt Anh và bà Trần Thị Kim đồng ý tự tháo dỡ.
Với 15 công trình vi phạm còn lại, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Các đơn vị liên quan của huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cưỡng chế công trình vi phạm trong trường hợp các hộ không chấp hành quy định.
Còn trao đổi với PV, đại diện chủ nhân 15 công trình trên cho hay, họ đều bất ngờ khi được UBND xã mời họp và thông báo nằm trong danh sách vi phạm, sẽ bị "cưỡng chế".
Ông Chu Tuấn Thanh (vợ là bà Vũ Thị Huệ - 1 trong 15 chủ hộ có công trình vi phạm) cho hay, gia đình được giao đất từ năm 2004, trên cơ sở chủ đất là ông Ngô Văn Cam (hiện là Trưởng thôn Lêm Trường) chuyển giao và được UBND xã sở tại xác nhận.
Cụ thể, theo hợp đồng chuyển giao lâm lộc, tài sản và quyền quản ý đất lập nghiệp được lập ngày 15/8/2004, ông Ngô Văn Cam chuyển giao cho gia đình bà Vũ Thị Huệ tài sản là 200m2 nhà và công trình phụ, cây ăn quả, cây lâm lộc khác. Toàn bộ lâm lộc, tài sản nằm trên 1.809m2 đất lâm nghiệp tại lô 8 khoảnh 11.
Sau đó, UBND Xã Minh Phú với Chủ tịch khi đó là ông Dương Ngọc Oanh xác nhận việc chuyển giao trên là đúng và đề nghị cấp thẩm quyền làm thủ tục theo quy định.
Năm 2005, do căn nhà xuống cấp, gia đình ông Chu Tuấn Thanh có làm đơn đề nghị, được xây tường rào và cải tạo căn nhà cũ đã hư hỏng để có chỗ ở trông coi, chăm sóc cây cối. Đơn này đã được UBND xã Minh Phú xác nhận.
"Cách đây 20 ngày khi UBND xã mời lên họp thông báo về việc gia đình bị cho vào danh sách 18 hộ có công trình xây dựng vi phạm, sẽ bị cưỡng chế nếu không tự tháo dỡ, chúng tôi đã không đồng tình và không ký biên bản.
Bản thân tôi thấy gia đình không có vi phạm về xây dựng, đất đai, bởi lẽ, do căn nhà quá xuống cấp nên chúng tôi xin sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lại chứ không xây mới", ông Thanh cho hay.
Ông nói, khi làm, gia đình đều báo cáo, được Lâm trường (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội) và chính quyền địa phương đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ.
"Chưa kể, nhà của gia đình tôi là cấp 4 có diện tích 79m2 chưa vượt quá 200m2 theo quy định và không kinh doanh, không làm dịch vụ.
Chúng tôi không làm sai quy định vậy tại sao lại yêu cầu xử lý, cưỡng chế chúng tôi?", ông Thanh nêu.
Ông Dương (bên cạnh nhà ông Thanh) cũng khẳng định, toàn bộ việc chuyển nhượng đất, xin phép sửa chữa nhà của gia đình đều xin phép chính quyền địa phương, báo cáo Lâm trường và được tạo điều kiện chứ không phải tự tiện làm.
Ngoài ra, gia đình ông chỉ cải tạo, sửa chữa lại với nhà cấp 4 và phần diện tích xây dựng chưa vượt quá 200m2 theo quy định của pháp luật. Do đó, gia đình không thấy vi phạm nên việc xử lý, cưỡng chế cần xem xét lại.
"Nếu là đất rừng không bao giờ chúng tôi động vào"
Còn bà Vũ Thị H. (một trong 15 hộ vi phạm) cho hay, trước khi nhận chuyển nhượng cây lâm lộc, hoa màu, bà đã hỏi và được biết đất này có giấy chứng nhận của xã là đất trồng cây lâm lộc hoa màu chứ không phải là đất rừng, do đó, gia đình mới làm thủ tục, sử dụng.
"Gia đình tôi được UBND xã xác nhận đây là đất trồng cây lâm lộc, hoa màu chứ không phải đất rừng. Nếu là đất rừng không bao giờ chúng tôi động vào.
Trong thời gian qua, chúng tôi cũng trồng rất nhiều cây cối chứ không phá rừng, xẻ núi để bảo vi phạm", bà H. bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (một trong 15 hộ vi phạm) cho hay, gia đình bà được chuyển giao đất năm 2004 từ ông Ngô Văn Cam và được UBND xã xác nhận.
Từ khi nhận hợp đồng đến nay, gia đình vẫn giữ nguyên hiện trạng cây lâm lộc và trồng thêm nhiều loại xây ăn quả vào chỗ trống, tạo môi trường tự nhiên xanh hơn, đẹp hơn.
"Tất cả các hộ đều xác định, nếu có sai phạm cần xử lý nhưng phải làm đúng luật và thông báo rõ cho các gia đình biết vi phạm đến đâu, thế nào", bà Tuyết chia sẻ.
Cũng trao đổi với PV, ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường, người chuyển giao đất cho nhiều hộ dân khác cho rằng, việc chuyển giao của ông với các hộ dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và UBND xã xác nhận.
Ông Cam khẳng định, tại khu vực này dân có trước và rừng có sau và dân đi khai hoang phát triển kinh tế mới rồi trồng rừng.
"Thời tôi vào đây ban đầu, những mảnh đất xanh ngát hiện nay chỉ là những vùng đất trắng đồi trọc và dân đi khai hoang, phát triển kinh tế mới theo tiếng gọi của Lâm trường Sóc Sơn khi đó mới trồng rừng", ông Cam nói.
Ông xác nhận, trong số 18 hộ bị đưa vào diện vi phạm, có một số hộ xây dựng kết hợp thêm hoạt động dịch vụ, kinh doanh nên có thiếu sót, hạn chế và 3 hộ đã tự nguyện tháo dỡ phần vi phạm.
Về vi phạm xây của gia đình mình, ông Cam cho hay, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra, xác định rõ. "Tuy nhiên, tôi không hề chặt phá cây rừng mà vẫn chăm sóc, trồng mới rừng", ông Cam nhấn mạnh.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)