Chờ bộ trưởng giao thông trả lời vết nứt dầm cầu Vàm Cống

05/06/2018 09:23:07

Cầu Vàm Cống nằm trên sông Hậu là tuyến giao thông huyết mạch nối hành lang phía tây với các tỉnh ĐBSCL.Tuy vậy, đã nhiều tháng sau sự cố nứt dầm thép, đến nay chưa có đơn vị nào công bố nguyên nhân lẫn ngày thi công trở lại.

Chờ bộ trưởng giao thông trả lời vết nứt dầm cầu Vàm Cống
Người dân mong chờ ngày thông xe cầu Vàm Cống - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nứt đến hai vị trí?

Chiều 4-6, trên công trường cầu Vàm Cống không còn cảnh công nhân thi công rầm rộ như mấy tháng trước đó. Toàn bộ thiết bị, máy móc đã được dọn dẹp chở đi nơi khác. 

Ở phía bên kia bờ sông Hậu (Đồng Tháp) chỉ còn sót lại một đội thi công của Cienco 1. Tại đây, có ít nhất hai người đang tham gia thi công công trình cho biết không chỉ dầm ngang ở trụ P29 (phía Cần Thơ) mà ở trụ P28 (phía Đồng Tháp) cũng bị nứt dầm thép ngang.

Theo lời một công nhân (đang làm việc cho Cienco 1): trụ P29 và P28 là trụ đấu nối, tiếp giáp dầm bêtông và dầm thép của cầu Vàm Cống trước khi hợp long vào 2 trụ tháp chính ở giữa. 

"Giữa tháng 11-2017, khi đang thi công thì phát hiện dầm thép tại trụ P29 bị nứt, sau đó là trụ P28 nứt theo. Nhưng trụ P28 nứt ít hơn trụ P29" - công nhân này nói. 

Cũng theo công nhân này, dầm thép cầu Vàm Cống dài 12m, được làm bằng thép không gỉ. Ngay sau khi phát hiện sự cố trên, công trình ngừng thi công cho đến nay.

Một chuyên gia cầu đường nhận định vết nứt tại cầu Vàm Cống không phải là chuyện nhỏ, đây là dấu hiệu của áp lực cao.

Chờ bộ trưởng giao thông trả lời vết nứt dầm cầu Vàm Cống - 1
Sau nhiều tháng xảy ra sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống, nguyên nhân và thời gian khắc phục vẫn chưa được công bố - Ảnh: CHÍ QUỐC

Về Cà Mau còn trắc trở

Nhiều tháng nay, nhiều doanh nghiệp vận tải lẫn người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ rất mong chờ cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng để rút ngắn thời gian di chuyển lẫn chi phí. 

Theo ông Nguyễn Thanh Nam - một doanh nghiệp vận tải ở TP Long Xuyên: nếu thông xe cầu Vàm Cống, doanh nghiệp ông tiết giảm được rất nhiều chi phí xăng dầu, phí qua trạm BOT ở một số tuyến và quan trọng là thời gian vận chuyển. 

Ông Võ Thành Thống - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết cầu Cao Lãnh và đường dẫn nối với cầu Vàm Cống đã hoàn tất, nhưng đến nay chưa thể nối dài một mạch tới Cà Mau do "tắc" ở cầu Vàm Cống.

Trả lời câu hỏi khi nào thì cầu Vàm Cống được thi công trở lại, ông Lê Tiến Dũng - phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ - cho biết đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về kế hoạch khắc phục hay cụ thể ngày thông xe sau sự cố nứt dầm thép trụ P29. 

Tương tự, ông Võ Thành Thống nói đến nay địa phương chưa có thông tin về nguyên nhân sự cố cầu Vàm Cống. 

Theo ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc xây dựng cầu Vàm Cống không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội của riêng An Giang mà còn cho cả ĐBSCL. 

Tuy vậy, đến nay ông Nưng cũng không hiểu nguyên nhân vì sao nứt dầm cầu cũng như thời gian nào cầu sẽ hoàn tất.

Cuối năm 2018 sẽ sửa xong?

Chiều 4-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long, đại diện chủ đầu tư) - cho biết: sau khi phát hiện vết nứt dầm ngang CB6 thuộc trụ P29, các đơn vị đã thực hiện ngay các biện pháp quan trắc cần thiết để đảm bảo ổn định công trình. 

Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bên liên quan kịp thời, đầy đủ.

Trả lời câu hỏi về "tiến độ sửa chữa cầu Vàm Cống ra sao?", ông Thi cho biết đã và đang huy động các chuyên gia, tư vấn của Việt Nam lẫn Hàn Quốc xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục; đồng thời đã làm việc với nhà tài trợ để huy động tư vấn quốc tế (đến từ nước thứ 3) tiến hành đánh giá độc lập. 

Vậy khi nào thì cầu Vàm Cống được khắc phục xong? Ông Thi cho biết trên cơ sở kết quả thẩm tra của tư vấn trong nước, quốc tế và ý kiến tham gia của chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục. 

Hiện nhà thầu đang huy động vật liệu, thiết bị và nhân công có tay nghề cao từ Hàn Quốc để tiến hành thi công với thời gian dự kiến 7 tháng và sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.

Chờ bộ trưởng giao thông trả lời vết nứt dầm cầu Vàm Cống - 2
Đồ họa: T.ĐẠT

Chất lượng mối hàn chưa đảm bảo

Chiều 4-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ GTVT cho biết: vết nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 của cầu Vàm Cống đã được tư vấn độc lập kiểm định để có phương án khắc phục nhằm hoàn thành công tác xây dựng, đưa cầu Vàm Cống vào khai thác trong năm 2018.

Với vết nứt trên, theo đánh giá ban đầu cho thấy có hiện tượng ứng suất dư và chất lượng mối hàn chưa đảm bảo.

"Hiện các đơn vị liên quan đang phối hợp với tư vấn độc lập, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Khoa học công nghệ GTVT... đánh giá nguyên nhân chính thức, lên phương án khắc phục triệt để".

Cũng theo vị đại diện này, ngoài vết nứt P29, không còn vết nứt nào khác. Kết quả quan trắc từ khi xảy ra sự cố (tháng 11-2017) đến nay cho thấy các kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng vẫn ổn định, không xuất hiện biến dạng bất thường.

Dự kiến hôm nay (5-6), Bộ GTVT sẽ họp kiểm điểm tiến độ cầu Vàm Cống để thống nhất phương án khắc phục, tiến độ thi công.

TUẤN PHÙNG

Cầu Vàm Cống dài 2,97km, tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Đơn vị tư vấn thiết kế - giám sát Hàn Quốc là liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa, nhà thầu thi công Hàn Quốc là liên danh Công ty GS E&C và Hanshin, và đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Cửu Long. Cầu gồm 146 dầm dọc và 225 dầm ngang, với tổng khối lượng kết cấu thép khoảng 7.000 tấn.

Theo C.Hạnh- C.Quốc- B.Đấu- N.Ân (Tuổi Trẻ)