Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

01/01/2021 06:26:49

Thay đổi tuổi nghỉ hưu; được đốt pháo hoa không tiếng nổ; bỏ quy định ôtô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa... là chính sách có hiệu lực từ tháng 1.

Thay đổi về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020 quy định từ 1/1, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 với nam và 60 với nữ. Trong điều kiện lao động bình thường, nam đủ 60 tuổi 3 tháng được nghỉ hưu, với lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng. Theo quy định cũ, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55.

Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Những người trong diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021. Đồ họa:Việt Chung

 

Được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ

Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ 10/1 quy định người từ 18 tuổi trở lên được đốt các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ trong sinh nhật hoặc lễ tết, đám cưới, khai trương...

Quy định mới nêu rõ người dân phải mua pháo hoa ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua bán loại pháo hoa này. Việc mua ở các hiệu tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng luật.

Với loại pháo hoa nổ, người dân không được mua bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước. Việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách; các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn, trừ các trường hợp Thủ tướng quy định phục vụ cuộc thi bắn pháo hoa.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 - 1
Loại pháo hoa dùng để đốt trong sinh nhật không gây ra tiếng nổ. Ảnh:Bá Đô

Cán bộ công chức chưa đạt trình độ sẽ bị tinh giản

Tại Nghị định 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực từ ngày 10/12, Chính phủ quy định cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo, nhưng không có vị trí khác để bố trí sẽ bị tinh giản.

Việc tinh giản áp dụng với cả công chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm, không thể bố trí việc khác.

Công chức có hai năm liên tiếp đến thời điểm xét tinh giản biên chế, có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhưng không thể bố trí việc làm khác; có hai năm liên tiếp mà mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản, được đơn vị đồng ý.

Ôtô dưới 9 chỗ không phải lắp bình cứu hỏa

Từ ngày 10/1, Nghị định 136/2020 chính thức bãi bỏ quy định bắt buộc ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. Với loại phương tiện từ 9 chỗ trở lên vẫn phải lắp bình cứu hỏa, phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất và đặc điểm hoạt động.

Bốn năm trước, khi quy định ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải lắp bình cứu hỏa có hiệu lực, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ do đặc thù khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa gây khó khăn cho tài xế. Lúc đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho hay "ôtô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm và bị xử phạt đến 500.000 đồng". Nội dung này gây ra nhiều tranh luận. Bộ Công an sau đó đã chỉ đạo cảnh sát giao thông không dừng phương tiện để kiểm tra bình cứu hỏa.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 - 2
Ôtô từ 4 chỗ đến 9 chỗ sẽ không bắt buộc trang bị bình cứu hỏa. Ảnh: Bá Đô

Bỏ quy định ôtô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa Tinh giản biên chế người chưa đạt trình độ Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12 Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Theo Bá Đô (VnExpress.net)