1. Tăng mức phạt đối với vi phạm về nghỉ lễ, tết, hằng tuần
Đây là quy định đáng chú ý tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết (trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng).
Như vậy, mức phạt này được điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành (hiện nay, nếu vi phạm lỗi trên người sử dụng lao động chỉ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức).
Cũng theo Nghị định số 28, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng).
Nghị định số 28 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.
2. Thực hiện thí điểm tiền lương tại Tổng Công ty Nhà nước
Nghị định số 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Theo đó, mức lương cơ bản của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách được quy định như sau:
- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị là 70 triệu đồng/tháng đối với loại 1; 60 triệu đồng/tháng đối với loại 2.
- Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng đối với loại 1; 50 triệu đồng/tháng đối với loại 2.
- Kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng đối với loại 1; 40 triệu đồng/tháng đối với loại 2.
Lưu ý, loại 1 áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 30.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên. Loại 2 áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch vốn chủ sở hữu dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 30.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.
Công ty căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch để xác định loại công ty và mức lương cơ bản của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách.
3. Đơn giản điều kiện để được sử dụng thẻ tín dụng phụ với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
Theo Thông tư số 28/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (đối với thẻ phụ). Như vậy, quy định mới này không còn yêu cầu phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Đối với các mẫu thẻ đã phát hành trước ngày 01/4/2020, thông tin trên thẻ tuân thủ theo quy định tại thời điểm phát hành thẻ. Đối với các mẫu thẻ được Tổ chức phát hành thẻ phát hành mới hoặc có thay đổi kể từ ngày 01/4/2020, Tổ chức phát hành thẻ tuân thủ quy định về thông tin trên thẻ theo quy định tại Thông tư số 28.
Thông tư số 28 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.
4. Người thực hiện chứng thực không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch
Đây là nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020.
Theo đó, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Lưu ý, trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
Đồng thời, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
5. Lưu ý về cấp và sử dụng phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải
Từ ngày 01/4/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, quy định việc chuyển tiếp về cấp và sử dụng phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải như sau:
- Thứ nhất, đối với xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe hợp đồng có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu trước ngày 01/4/2020 không phải thực hiện cấp lại cho đến khi hết hiệu lực hoặc đến khi thực hiện cấp lại.
- Thứ hai, đối với xe hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định số 10 và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải (thời gian thực hiện xong trước ngày 01/7/2021).
Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 01/4/2020 (sử dụng phần mềm tính tiền quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10) nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định.
6. Đăng tin sai sự thật lên facebook có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Đây là quy định đáng chú ý tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.
Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Lotus, Twitter…) để thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Một là, cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Hai là, cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
- Ba là, cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.
- Bốn là, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
- Năm là, cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
- Sáu là, quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm.
- Bảy là, cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.
- Tám là, cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài việc bị xử phạt như trên, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Lưu ý, mức phạt nêu trên áp dụng với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng một nửa của mức nêu trên.
7. Các tiêu chuẩn bắt buộc khi áp dụng mô hình ký số từ xa
Từ ngày 01/4/2020, Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa (Remote signing) bao gồm các tiêu chuẩn sau đây:
- Một là, tiêu chuẩn mật mã và chữ ký số.
- Hai là, tiêu chuẩn thông tin, dữ liệu.
- Ba là, tiêu chuẩn chính sách và quy chế chứng thực chữ ký số.
- Bốn là, tiêu chuẩn giao thức lưu trữ và truy xuất chứng thư số.
- Năm là, tiêu chuẩn kiểm tra trạng thái chứng thư số.
- Sáu là, tiêu chuẩn bảo mật cho HSM quản lý khóa bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
- Bảy là, tiêu chuẩn hệ thống thiết bị quản lý khóa bí mật, chứng thư số và tạo chữ ký số của khách hàng.
Luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn luật sư TP.HCM
Theo Trí Thức Trẻ