Chính phủ "không xem xét" siêu dự án trên sông Hồng của Bầu Thụy

09/05/2016 20:21:00

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ chiều 9/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ: Chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ chiều 9/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ: Chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông thủy Xuyên Á trên sông Hồng.

Nội dung văn bản khẳng định: "Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật".

Cũng theo văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

"Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cách thức triển khai thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Văn phòng Chính phủ trích ý kiến chỉ đạo.

Được biết, văn bản trên cũng được gửi tới các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh liên quan đến việc triển khai dự án này.

Trước đó, cuối ngày, một nguồn tin có thẩm quyền tiết lộ với Dân trí: "Thực ra dự án này sẽ không cần phải ra một quyết định hay văn bản cụ thể để bác bỏ mà chỉ có thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, đây là dự án chưa đủ điều kiện về nhiều mặt, mới là ý tưởng nên Chính phủ chưa xem xét".

"Đó mới chỉ là một nghiên cứu, một đề xuất, chưa có lõi dự án nào cả thì Chính phủ chưa có thể xem xét, phê duyệt hay không phê duyệt. Các tổ chức, cá nhân đều có thể nghiên cứu, đề xuất, nhưng đủ điều kiện để trình xem xét phê duyệt là chuyện khác. Hơn nữa, ý tưởng này ngay từ khi Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình lên đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối, phân tích tác động tiêu cực từ các chuyên gia kinh tế, giới chuyên môn thì càng không đủ căn cứ để xem xét", nguồn tin trên khẳng định.

Trước khi quyết định trên được đưa ra, một số chuyên gia kinh tế còn chờ đợi nhiều khả năng Thủ tướng sẽ ra văn bản bác bỏ đề xuất nói trên bởi ngay từ khi rò rỉ thông tin về dự án, đã có không ít các học giả phân tích về tính "lợi bất cập hại" của siêu dự án này. Cụ thể, chưa thấy lợi ích mà dự án mang lại bao nhiêu nhưng nhãn tiền đã thấy được hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực mà dự án này có thể gây ra với khu vực quanh dự án.

Đề xuất xây dựng dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận
Đề xuất xây dựng dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận

Trao đổi với phóng viên chiều nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, sông Hồng có độ dốc rất thấp nên nếu trữ nước sẽ phải cần đến diện tích rất rộng, do đó, dự án này nếu xây dựng sẽ có tác động rất nhiều mặt đến môi trường, nhất là với hoạt động sản xuất tại đồng bằng sông Hồng - vốn là nơi hàng ngàn năm nay người dân đã canh tác trồng lúa tại đây.

Hơn nữa, trong khi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hưởng lợi lớn từ dự án này thì lợi ích về phía Việt Nam chẳng là bao. Theo đó, trong khi dự án hỗ trợ Vân Nam về giao thương, xuất nhập khẩu thì cũng sẽ khiến tình trạng buôn lậu biên giới giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam vốn đã rất phức tạp sẽ càng trở nên phức tạp hơn.

Ông Doanh cũng bày tỏ mối quan ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư. "Họ vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất từ 4-9%. Nếu vay đến 7% thì cứ 10 năm, vốn vay cộng lãi tăng lên gấp đôi, thế mà họ lại tính toán rằng có thể hoàn vốn trong 25 năm. Họ đòi rất nhiều rất nhiều ưu đãi: bán điện cao hơn giá hiện nay, đòi thu phí vận tải đường thủy và không đưa ra phương án là bao giờ sẽ ngừng thu để chuyển giao. Do đó, án ngữ trên dòng sông Hông sẽ là một công trình tư nhân chứ không phải là một công trình công cộng" - chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết: "Tôi mong là Thủ tướng sẽ không chấp nhận đề xuất làm dự án trên bởi cá nhân tôi, không thấy điểm nào hợp lý ở ý tưởng làm tuyến giao thông thủy cũng như các dự án thuỷ điện mà bên chủ đầu tư đã đề xuất. Trong khi đó, những hậu quả to lớn của dự án, nếu được triển khai có thể nhìn thấy rõ".

Một số chuyên gia khác như Giáo sư Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng dự án không khả thi vì không phù hợp với đặc điểm sông Hồng. Đồng thời cho rằng, dự án này nếu triển khai sẽ nhấn chìm hầu hết diện tích đất canh tác đôi bờ sông Hồng. Trong khi đó, GS-TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam thì bày tỏ lo ngại, dự án này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 20 triệu dân vùng đồng bằng song Hồng trên phạm vi diện tích gần 2 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 1 triệu ha, với gần 700.000ha là đất phù sa màu mỡ, được bồi đắp từ hàng nghìn năm để lại.

Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.

Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Với việc nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện, dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á này dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định).

Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.

Đồng thời, Xuân Thiện cũng có ý định xây dựng 7 cảng dọc tuyến: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội) thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.

Chủ đầu tư đề xuất, dự án này sẽ được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh). Bên cạnh đó, được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn...

Khi tham vấn ý kiến các bộ ngành, dự án này nhận được khá nhiều sự đồng thuận về chủ trương. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đánh giá "đây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư của Nhà nước". Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện; đồng thời cho rằng việc hỗ trợ cơ chế giá bán điện đặc thù cho dự án cần nghiên cứu thêm.

Kết quả lấy ý kiến bạn đọc của chúng tôi tính đến cuối chiều 9/5 cho thấy, có đến 89,38% ý kiến độc giả đề nghị "Chính phủ bác bỏ ngay đề xuất này vì đây là dự án sẽ có nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội". Chỉ có 3,78% ý kiến nhận định "đây là dự án ó hiệu quả kinh tế - xã hội, Chính phủ nên xem xét, thông qua".

Việc Chính phủ bác bỏ, không xem xét dự án trên được đông đảo độc giả của Dân trí bình luận một quyết định "hợp lòng dân" đồng thời sẽ càng tăng thêm uy tín của người đứng đầu Chính phủ sau nhiều chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng thời gian qua, điển hình như vụ việc quán cà phê Xin Chào.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)

Nổi bật