Chiêu trò 'chăn dắt' cựu chiến binh ở Lạng Sơn

06/01/2019 08:07:35

Nhắm đến đối tượng người có công, một số doanh nghiệp, tổ chức biểu diễn liên kết với các tổ chức hội cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn Lạng Sơn để tìm mọi cách “chăn dắt” để moi tiền.

Chiêu trò 'chăn dắt' cựu chiến binh ở Lạng Sơn
Caption

Các CCB bức xúc vì đã mua vé mà không được xem cải lương. Ảnh: Duy Chiến

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Mặc dù trời tối, rét mướt, đêm 22/12/2018, một số CCB, người dân vẫn đến Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn để xem cải lương. Tuy nhiên, nơi tổ chức biểu diễn tối om, cửa đóng then cài. Tại phòng bảo vệ, ông Lê Cao Ân, Phó chủ tịch Hội CCB truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội truyền thống Trường Sơn) tỉnh Lạng Sơn túc trực. Thấy ai đến, ông đều hỏi: “Có phải đến xem cải lương không?”.

Vị Phó Chủ tịch này cho biết, nhà hát cải lương Hà Nội ký hợp đồng phối hợp với Hội truyền thống Trường Sơn tổ chức biểu diễn văn nghệ tại thành phố Lạng Sơn và được nhà hát hỗ trợ 6 triệu đồng để gây quỹ. “Buổi biểu diễn đã được công diễn từ đêm 21/12, nay đoàn nghệ sỹ Nhà hát cải lương Hà Nội đã rời khỏi địa phương. Chúng tôi được nhà hát ủy nhiệm nhận lại vé và “thối” tiền đúng bằng giá trị đã phát hành 250.000 đồng/vé”. Ông Ân nói.

Ông Đỗ Xuân Thơm, CCB phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bức xúc nói: “Rất nhiều CCB, nhân dân trong tỉnh khi thấy công văn của Hội truyền thống Trường Sơn đề nghị mua vé xem cải lương gây quỹ, được tổ chức đúng vào ngày truyền thống của Quân đội nên đã tiết kiệm chi tiêu để ủng hộ. Vậy mà, tiền mất tật mang”.

Tương tự, nhiều cơ sở giáo dục ở huyện Tràng Định, huyện Bắc Sơn, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), cách xa thành phố Lạng Sơn gần 100 km, được các nhân viên nhà hát cải lương đến tận nơi quảng cáo, dùng công văn của Hội truyền thống Trường Sơn để bán vé. Kết quả, họ cũng phải ra về vì đoàn biểu diễn đã “cao chạy, xa bay”.

Ông Lê Cao Ân cho biết, Hội truyền thống Trường Sơn rất bất ngờ vì trong hợp đồng với Nhà hát cải lương Hà Nội chỉ có đêm duy nhất vào lúc 20h ngày 21/12. Khoảng trên 100 vé đã được bán ra và khán giả cũng đã đến xem buổi biểu diễn này. Tuy nhiên, khi xem, nhiều người bất bình vì các tiết mục biểu diễn chủ yếu là tạp kỹ, nhiều ca sỹ không tên tuổi hát dở. “Cứ tưởng được xem vở cải lương truyền thống, thế nhưng lại phải thưởng thức các tiết mục vớ vẩn. Tôi và đồng đội phải chứng kiến ca sỹ ăn mặc hở hang, làm cánh già chúng tôi rất xấu hổ”. Ông Ân thuật lại.

Ông Ân cho biết thêm, trước lúc phát hành vé, Hội truyền thống Trường Sơn yêu cầu Nhà hát cải lương Hà Nội không nên đi các huyện xa bán vé vì gây phiền toái cho CCB và người dân, nhưng cán bộ nhà hát đã không thực hiện đúng như cam kết. “Chúng tôi đã cung cấp giấy giới thiệu và khoảng 100 công văn đóng dấu đỏ gửi các doanh nghiệp, ban ngành, trường học để vận động mua vé tổ chức vào đêm 21/12. Tuy nhiên, phía nhà hát còn photo thêm nhiều công văn và chỉnh sửa ngày biểu diễn mà không thông báo gì cho Hội truyền thống Trường Sơn”. Ông Ân khẳng định.

Chiều 25/12/2018, ông Nguyễn Trọng Nghiêm, đại diện Nhà hát cải lương Hà Nội đã có buổi làm việc với Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Lạng Sơn về những “sự cố” đã xảy ra. Ông Nghiêm thừa nhận việc chỉnh sửa ngày và phát hành vé vào ngày 22/12 là sai trái và cho biết, nguyên nhân là các nhân viên nhà hát đã ghi nhầm ngày (!?). “Nhà hát cũng nhận khuyết điểm với tỉnh Lạng Sơn về việc phát hành vé và giá vé (250 ngàn đồng/vé) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cho phép”. Ông Nghiêm nói.

“Tour du lịch 0 đồng”

Trung tuần tháng 6/2018, Hội CCB các phường, xã trên địa bàn Lạng Sơn tổ chức cho các CCB được thăm Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đã qua nhiều tháng, nhưng dư âm của chuyến đi vẫn như một “cơn ác mộng” với các CCB. Ông Lê Cao Ân cho biết, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng trước sự động viên của Hội CCB phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, ông nhận lời tham gia chuyến đi ATK. Chuyến đi này, phường Chi Lăng có khoảng 300 CCB được đi trên 8 xe ô tô khách. Các CCB ban đầu rất phấn khởi khi được đến nơi di tích lịch sử lại được tài trợ tiền ăn, tiền xe miễn phí theo kiểu “tour 0 đồng”.

Ông Ân cho biết, các CCB phải tập trung tại UBND phường Chi Lăng lúc 4 giờ sáng, di chuyển bằng ô tô đi trên tuyến 1A xuống Kép (Bắc Giang), sau đó vòng vo theo con đường tỉnh lộ đến Bố Hạ xuyên qua Bắc Giang đến Thái Nguyên. Con đường nhỏ, bụi, nhiều ổ gà, ổ voi, nhiều lúc làm các CCB cao tuổi cảm thấy sợ, tức ngực.

Xe ô tô dừng lại một quán ven đường, lúc này là 8h30. Các CCB được mời xuống ăn sáng. “Người hướng dẫn viên thông báo, bữa này ai ăn sẽ phải trả tiền. Khi tôi nhìn thấy bát phở trắng, miếng thịt lèo phèo, lạnh tanh nên rùng mình không dám ăn, đành phải mua một lon Bò-húc uống cầm hơi”. Ông Ân thuật lại.

Chừng 11 giờ trưa thì đến khu ATK Định Hóa, các CCB tập trung thành đoàn thăm di tích đồi Khau Tý và sau đó được đưa đến một nhà sàn khá rộng. “Sau khi mọi người vào trong, họ khép cửa, canh cổng không cho ra ngoài. Họ liên tục quảng bá, giới thiệu hàng hóa và bán hàng. Ông bạn CCB gần nhà mua lọ dầu xoa giá 200 ngàn đồng, về nhà tìm hiểu thì giá một lọ dầu này chỉ có khoảng 60 ngàn đồng”. Ông Ân nói.

Bị “giam lỏng” hơn 2 tiếng đồng hồ, đến 14 giờ chiều, các CCB mới được đi đến một quán ăn. Tại đây, mọi người được chiêu đãi miễn phí bữa ăn giá 50 ngàn đồng/người với suất ăn lèo phèo rau, thịt. Sau khi đi thăm “thần tốc” 3 di tích lịch sử tại ATK Định Hóa, các CCB lên xe trở về Lạng Sơn lúc 23 giờ khuya, lúc này ai nấy đều thấm mệt, đói lả.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch Hội CCB thành phố Lạng Sơn cho biết, vấn đề đi thăm ATK kể trên, tổ chức Hội TP không chỉ đạo thực hiện, song Cty TNHH Thương mại và Du lịch Diễm My (Bắc Giang) tự liên hệ và phối hợp với các Hội CCB phường, xã trên địa bàn tổ chức nên không nắm được tình hình cụ thể. Ông Thụ cho biết sẽ tiến hành tìm hiểu, thẩm tra sự việc, rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Sáng 5/1, Đại tá Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và bàn phương hướng cho năm 2019, chúng tôi đã đề cập những vấn đề dư luận đang quan tâm đến việc một số doanh nghiệp, tổ chức đến liên hệ, chèo kéo rồi biến tướng các hoạt động nghĩa tình làm méo mó hình ảnh CCB. Chúng tôi sẽ cương quyết chấn chỉnh để sang năm mới này, những kiểu, chiêu trò moi tiền sẽ không tái diễn”. n

Ngày 2/8/2018, Hội CCB tỉnh Lạng Sơn có văn bản số 110CV-CCB gửi các Hội trực thuộc, trong đó nêu rõ: Thường trực Hội CCB tỉnh không đồng ý cấp giấy giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ tiếp thị, tham quan, du lịch, quay phim, chụp ảnh, làm kỷ yếu, album... Hội CCB các huyện, TP khi có các tổ chức, cá nhân liên hệ thực hiện các nội dung trên phải báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và phải chịu trách nhiệm với cấp ủy và cấp trên”.

Chiêu trò 'chăn dắt' cựu chiến binh ở Lạng Sơn - 1
Ông Nghiêm (giữa), đại diện Nhà hát cải lương Hà Nội nhận trách nhiệm về những sai trái trong chuyến lưu diễn ở Lạng Sơn

Theo Nguyễn Duy Chiến (Tiền Phong)