Video: Nửa đêm Hà Nội vẫn sôi động với chiến thắng của đội tuyển U23
Dường như sau chiến thắng của cầu thủ U23 mọi người giường như thư giãn, vui vẻ, thân thiện với nhau hơn. Sự tgiận giữ, cảm giác bực tức, mệt nhọc cũng vơi đi. Ông có thể lý giải chuyện gì đang xảy ra?
- Để mà cắt nghĩa nguyên nhân thì rất khó vì nó có nhiều chiều cạnh. Tuy nhiên, đầu tiên chúng ta có thể thấy đấy chính là sự cảm hoá của một nền thể thao chân chính. Thứ hai nữa, đây cũng là dịp để con người được biểu tỏ thái độ của mình với Tổ quốc, đối với sự nghiệp chung của quốc gia dân tộc mà có lẽ trong ngày thường người ta khó có thể bày tỏ. Rõ ràng, việc U23 Việt Nam giành chiến thắng thuyết phục là thời cơ tốt để mọi người thể hiện.
Từ xưa tới nay, tâm lý chung khi con người có niềm vui thì người ta thường bao dung với người khác, dễ đồng cảm với người khác. Vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi mọi người cùng có chung một niềm vui thì chuyện họ sẽ đối xử tốt với nhau, đoàn kết bên nhau cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, ở đây không bao gồm cả những hành vi quá khích, lố bịch.
Nói như ông thì dường như chiến thắng của U23 lần này thực sự là lý do tốt để đoàn kết cộng đồng?.
- Cũng có thể hiểu như vậy, bởi tôi thấy rằng trong trường hợp này, thể thao đã không còn chỉ là thể thao nữa mà nó đã được chuyển hoá thành tình yêu, niềm tự hào, thành hình ảnh con người, đất nước... Việt Nam.
Không cần quan sát kỹ ta cũng thấy hình ảnh một Việt Nam đoàn kết, gắn bó. Tất nhiên, không thể nói thẳng tưng rằng bóng đá chúng ta tốt lên, U23 Việt Nam giành được thứ hạng cao thì chứng tỏ lòng yêu nước của chúng cũng cao, rồi ý chí đoàn kết dựng xây đất nước, cũng có ngay lập tức. Tuy nhiên, theo tôi đây thực sự là cú hích để người ta biểu tỏ lòng yêu nước, quyết tâm đưa đất nước đi lên. Lạc quan mà nói chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam giống như vì sao sáng, góp phần lấy lại niềm tin của người dân khi mà niềm tin của họ ở nhiều vấn đề khác đã bị mất đi.
Có thể thấy những cầu thủ như Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Thanh, Công Phượng à huấn luyện viên Park Hang Seo đang được tôn vinh như những người hùng, truyền nhân... liệu điều này có phải là hơi "quá khích" không, thưa ông?
- Nói quá khích, quá lời thì không hẳn, nhưng có thể thấy từ sự ngưỡng mộ, cộng đồng dư luận xã hội xúm vào khen, “thổi” vị huấn luyện viên..... người Hàn lên tận mây xanh. Xét đến cùng, ông ấy tài giỏi, tuy nhiên theo tôi ông ấy chưa thật vĩ đại để đến mức cộng đồng phải dành cho ông ấy một loạt các mỹ từ. Đấy chỉ là cách để người hâm mộ ám chỉ rằng: “Đấy, vẫn là những con người đấy, vẫn là đội tuyển ấy nhưng sang tay một nhà quản lý khác thì người ta lại làm nên trò”.
Từ câu chuyện của bóng đá, cộng đồng bày tỏ mong muốn bộ máy quản lý nói chung của chúng ta cũng sẽ “mát tay” như vị huấn luyện viên này. Nếu làm được điều này thì sự nghiệp chung của đất nước, không cứ gì thể thao cũng sẽ thăng hoa, cất cánh. Đằng sau xung quanh câu chuyện thể thao là sự gửi gắm, ký thác của hàng triệu người dân Việt Nam với giới quản lý. Chính vì thế, tôi cho rằng thể thao ở đây không còn thuần thuý là thể thao nữa.
Bên cạnh niềm vui chiến thắng, sự đoàn kết của cộng đồng thì đâu đó vẫn còn những cá nhân quá khích, hành vi lệch chuẩn lấy cớ ăn mừng U23 chiến thắng ví như: Cởi đồ, đua xe, nhảy cầu... Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Đây vẫn là những câu chuyện không mới. Ở đây cũng thế, lúc nào cũng sẽ có những người có những hành vi lệch chuẩn. Trong bối cảnh mất kiểm soát trong đám đông, một số người không biết sợ, không màng đến liêm sỉ muốn bộc lộ cái tôi độc đáo, quái dị. Niềm vui, sự bốc đồng khiến con người bị chiều tượng hoá, có thể cởi đồ, nhảy cầu, đập phá xe... với lý do “đã nói là làm”.
Tôi theo dõi mạng xã hội thì thấy, nhiều người rất đứng đắn, đàng hoàng, không hề nhăng nhít đâu, nhưng họ vẫn nói “nếu thắng nữa thì sẽ cởi” (cười). Họ nhìn nhận những hành động khác biệt ấy là một cách để thể hiện, chào đón những sự kiện gì đó khác với đời thường kiểu cả đời chỉ đến có 1 lần như việc U23 Việt Nam vào chơi trận chung kết.
Vậy những hành vi lệch chuẩn này sẽ tác động như thế nào tới xã hội?. Cần làm gì để ngăn chặn?
- Đương nhiên những hành vi lệch chuẩn được tiến hành trên diện rộng không bị trừng phạt, xử lý, không bị lên án, cô lập thì có thể nó sẽ căn bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng, khiến nhiều người học theo.
Tôi biết rằng việc xử lý triệt để với những hành vi lệch chuẩn là khó khăn, nhưng nói thế không có nghĩa là ta không xử lý được. Ta có thể xử lý nguội, có thể chỉ xử lý điểm tạo sự răn đe. Không thể để cuộc vui lớn lại có những nỗi lo nhỏ như vậy được.
Ở một góc độ khác, hiện nay cả dân tộc đang dõi theo các cầu thủ U23 và trận chung kết sắp tới với U23 Uzbekistan. Ông có kỳ vọng gì không?
-Đương nhiên, tôi là người yêu thích thể thao và không bỏ lỡ trận nào của các cầu thủ U23 Việt Nam. Cũng như bao cổ động viên khác là người Việt, tôi hy vọng U23 sẽ chiến thắng thuyết phục, tỷ số có thể cách biệt ít nhất 1 bàn.
Xin cảm ơn ông!
“Chắc chắn, chiến thắng của U23 Việt Nam lần này thực sự là liều thuốc tinh thần xoa dịu những căng thẳng trong xã hội làm tất thảy mọi người nắm tay nhau, yêu thương nhau nhiều hơn”.
PGS. TS Trịnh Hoà Bình
Theo Thùy Anh (Dân Việt)