Đó là trải lòng của anh Đinh Văn Dương - lính đặc công sống sót duy nhất trong vụ máy bay Mi-171 rơi ở Hòa Lạc vào ngày 7.7.2014 khi có người nói rằng, anh là "người ngoài hành tinh", "người đàn ông xấu xí" vì gương mặt biến dạng.
Trải qua 30 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, cuối năm 2016, anh Đinh Văn Dương được trở về với gia đình và cuộc sống bình thường tại căn hộ 66m2 ở Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Thời điểm đó sự phục hồi của anh được coi là kì diệu bởi nhiều lần các y bác sĩ đành buông tay để “tử thần” mang anh đi, thế nhưng, nhờ ý chí, nghị lực phi thường đã giữ anh ở lại với cuộc đời.
"Tôi nhớ bầu trời lắm!"
Chia sẻ với PV, anh Dương cho biết, sáng 7.7, anh cùng mẹ trở lại khu vực máy bay rơi tại cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội để thắp hương cho 20 đồng đội đã hi sinh. Do cơ thể không lành lặn, anh Dương chỉ có thể ngồi trên xe lăn, hướng mắt vào từng khuôn mặt trong khung ảnh của 20 đồng đội được thờ phụng tại đây.
Anh Đinh Văn Dương được mẹ chăm sóc tại căn hộ chung cư do nhà nước tặng. Ảnh: Cường Ngô |
“Khoảnh khắc đó thật sự rất buồn! Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy bố mẹ, vợ và con của các đồng đội đến thắp hương. Trong giây phút ấy, tôi cố gắng nén cảm xúc đến chào hỏi và trò chuyện với họ. Những người thân của đồng đội đã mất cũng động viên tôi rất nhiều, điều này khiến tôi nhận ra rằng, mình phải sống - sống vì bản thân, sống hộ anh em đã hi sinh”, anh Dương trầm giọng, nghẹn ngào.
Không chỉ chia sẻ khoảnh khắc khi đến thăm đồng đội của mình, anh Đinh Văn Dương còn bộc bạch những cảm xúc khi xuất ngũ. Người đàn ông đã cống hiến cho quân đội được 14 năm, nay phải nhận quyết định rời khỏi ngành lực lượng vũ trang nhân dân. Anh Dương rất buồn và lưu luyến, song vì hoàn cảnh không cho phép nên đành phải chia tay Trung đoàn Không quân trực thăng 961.
“Tôi nhớ bầu trời, tôi nhớ cái cảm giác vừa lo sợ, vừa thú vị khi bồng bềnh thả dù trên không. Nhớ lại khoảnh khắc đó tôi thấy hạnh phúc lắm. Bây giờ có muốn trở lại cũng không thể thực hiện được nữa” – Thượng úy Dương tâm sự.
"Bố trên ảnh cưới không phải là bố, bố bây giờ mới là bố"
Đan xen kỷ niệm buồn, anh Đinh Văn Dương còn bộc bạch những câu chuyện của gia đình, cuộc sống bình thường kể từ ngày xuất viện. Hiện anh Dương không phải dùng thuốc hàng ngày, mà chỉ tập luyện chân tay để phục hồi chức năng. Tuy vậy, người chiến sĩ đặc công chia sẻ trong tủ thuốc gia đình luôn có sẵn thuốc giảm đau, bởi mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau lại hành hạ anh đến khốn khổ.
Sau khi trở về từ cõi chết, anh Dương được nhà nước phân cho một căn hộ chung cư. Gia đình anh không còn phải sống trong cảnh đi thuê nhà như trước. Những lúc mặc cảm, bi quan hay bế tắc trong cuộc sống, anh luôn có gia đình bên cạnh, động viên và chăm sóc.
Anh Dương nhớ những ngày tháng nằm viện điều trị, ngày nào vợ anh cũng đưa cậu con trai Hải Anh đến nằm bên cạnh, ôm ấp không rời bố. Theo lời anh Dương: “Cu cậu yêu bố, thương bố, không hề tỏ ra sợ hãi trước một người tàn tật”.
Khi nhìn lên khung ảnh cưới của hai vợ chồng, con trai của anh nói rằng: “Đây không phải là bố, bố bây giờ mới là bố! Các con không những không sợ hình hài biến dạng của tôi, ngược lại còn quấn quýt hơn”, anh Dương nói.
Con chính là động lực lớn nhất giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Cường Ngô |
Dù vậy, điều anh Dương cảm thấy buồn tủi nhất là không được lao động vì anh đã mất đi đôi tay và đôi chân của mình. Người đàn ông này mong muốn có một đôi tay để tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Song hi vọng của anh dường như khó trở thành hiện thực vì chi phí làm tay giả lên đến 800 triệu đồng.
Ngoài ra, mỗi khi đi tập thể dục hay hóng gió dưới sảnh chung cư, anh Dương thường phải nghe những lời nói không hay về mình. Những người không biết anh là chiến sĩ sống sót duy nhất trong vụ máy bay rơi từng thẳng thừng nói rằng, anh là “người đàn ông xấu xí”, “người ngoài hành tinh” vì gương mặt biến dạng. Những lúc đó, anh Dương cảm thấy rất chạnh lòng, song anh bỏ ngoài tai những lời khiếm nhã đó.
Khi hỏi về hạnh phúc lớn nhất của anh ở thời điểm hiện tại, anh Dương trầm ngâm lúc lâu rồi khẽ cất tiếng: "Đó là việc thấy mẹ, vợ và con mình khỏe mạnh. Bây giờ, tôi sống không phải vì mình mà vì mọi người, vì sự tin yêu của người thân, bạn bè. Sống để cho đi".
Ngày 7.7.2014, chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 Trung đoàn không quân trực thăng 916, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng phòng không không quân với 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện đã rơi xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 20 chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ còn duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương sống sót. Trải qua 30 tháng nằm viện, 24 ca mổ, với sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia và các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Thượng úy Đinh Văn Dương dần tỉnh táo và có được cuộc sống ngày hôm nay, tuy nhiên, thân thể không còn lành lặn khi mất đi 2 bàn tay, hai đôi chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt nhăn lại. Hiện anh Đinh Văn Dương đang được điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương Binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và tại nhà riêng. |
Theo Cường Ngô (Lao Động)