Duy trì sự phát triển lành mạnh của hợp tác kinh tế, thương mại
Xin Đại sứ cho biết, trong năm qua, với những biến động xáo trộn lớn nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác như thế nào trong quan hệ song phương và các vấn đề chung khu vực cũng như quốc tế để cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo dựng lòng tin, thúc đẩy việc giải quyết các vướng mắc và khác biệt, để mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước tiếp tục phát triển?
Dịch Covid-19 diễn ra từ năm ngoái, có ảnh hưởng hết sức sâu rộng, có thể nói là khủng hoảng lớn nhất đối với cộng đồng và cục diện quốc tế sau Thế chiến 2.
Chúng tôi vui mừng thấy được rằng, hai nước Trung - Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng đã ứng phó rất tốt với cuộc khủng hoảng này. Điều mấu chốt nhất chính là hai Đảng, hai nước đều đặt an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Đồng thời chúng ta đã huy động lực lượng của toàn xã hội cùng chung sức chống dịch.
Hai nước đã đi đầu trong kiểm soát dịch bệnh, giành được thành quả to lớn trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời cũng đi đầu về phục hồi kinh tế.
Về phương diện trao đổi song phương, năm 2020, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tương tác chặt chẽ. Năm ngoái, Tổng bí thư hai Đảng đã tiến hành hai cuộc điện đàm quan trọng, đạt được nhận thức chung quan trọng về tăng cường thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng hai nước cũng tiến hành điện đàm, hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng về tăng cường hợp tác chống dịch, đặc biệt là duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, duy trì sự phát triển lành mạnh của hợp tác kinh tế, thương mại.
Hợp tác trên các lĩnh vực đa phương và khu vực cũng ngày càng trở thành điểm phát triển mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt. Hai nước là nền kinh tế mở, cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do.
Chúng tôi tích cực ủng hộ Việt Nam đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, tích cực tham gia các hội nghị cấp cao và cấp bộ trưởng đa phương và khu vực do Việt Nam chủ trì, tích cực ủng hộ sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu vực để chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế do Việt Nam đề xướng.
Năm quan trọng với cả hai nước
Đại sứ có kỳ vọng gì về mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian tới? Ông sẽ tập trung thúc đẩy những lĩnh vực nào với nỗ lực tăng cường quan hệ hai nước?
Năm nay là một năm vô cùng quan trọng đối với cả hai nước. Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 14.
Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 13, sẽ khởi động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025 và có những bước đi quan trọng để tiến tới các mục tiêu phát triển khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và thành lập nước.
Chúng tôi chân thành hy vọng rằng sự nghiệp CNXH của cả hai nước ở khởi đầu mới đều sẽ giành được những thắng lợi mới.
Trong bối cảnh cục diện thế giới nhiều biến đổi và dịch bệnh thế kỷ diễn biến phức tạp, tôi cho rằng, hai Đảng, hai nước càng phải tăng cường hợp tác đoàn kết, càng nên trân trọng và tiếp tục phát huy mối tình hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vun đắp nên, tiếp tục thực hiện nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nhà nước, phát huy hơn nữa tình hữu nghị truyền thống mà các lãnh đạo tiền bối hai nước xây dựng.
Nói cụ thể, chúng ta nên tiếp tục tập trung vào hợp tác chống dịch, cùng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, đồng thời duy trì sự phát triển kinh tế xã hội của hai nước.
Chúng tôi hy vọng được song hành cùng Việt Nam, tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao hơn nữa năng lực cung ứng và sản xuất giữa hai nước. Năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, trong đó một nhân tố quan trọng là lĩnh vực ngoại thương rất khả quan, xuất nhập khẩu đều tăng trưởng, đặc biệt là xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Không khí Tết đậm nét ở Việt Nam
Đại sứ từng trải nghiệm tết cổ truyền Việt Nam?
Năm ngoái tôi ăn Tết ở Việt Nam
Ông cảm nhận như thế nào về không khí ngày Tết ở Việt Nam?
Không khí ngày Tết ở Việt Nam rất đậm nét, phong tục ăn Tết của hai nước cũng rất giống nhau, đều xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và văn minh nông nghiệp, là ngày lễ truyền thống lớn nhất của hai nước và được hình thành trong quá trình lịch sử văn hóa lâu đời.
Không biết ở Việt Nam có cách nói như này không, người Trung Quốc có câu “Kế hoạch cả năm lập đầu xuân”. Hai nước có rất nhiều phong tục giống nhau trong ngày Tết, đều đi chúc Tết, đoàn viên, tham gia lễ hội đền chùa. Cùng với sự thay đổi của thời đại, cách ăn Tết cũng đã đổi thay và có rất nhiều trào lưu mới.
Tôi nhận thấy ở Việt Nam, trong dịp năm mới, mọi người sử dụng mạng Internet nhiều hơn để chúc Tết, tặng phong bao lì xì, điều này rất giống với Trung Quốc.
Nhiều người Việt - nhất là lớp trẻ - có xu hướng đơn giản hóa thủ tục ngày Tết, dành thời gian du lịch nghỉ ngơi, thanh niên Trung Quốc đối với ngày Tết truyền thống như thế nào?
Gần đây, mỗi dịp Tết đến, Trung Quốc có một kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày, tập quán đón Tết của mọi người cũng không chỉ là ở nhà. Tất nhiên giao thừa, mọi người vẫn ở nhà đoàn viên, nhưng sau giao thừa, ngày càng nhiều người đi du lịch. Nhiều người chọn đi du lịch nước ngoài, những năm trước cũng có rất nhiều người đã đến Việt Nam.
Năm nay tương đối đặc biệt, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi không khuyến khích du lịch mà khuyến khích mọi người đón Tết tại chỗ, tăng cường liên lạc với người thân, bạn bè qua mạng Internet, để vẫn có thể đón một cái Tết an lành, hạnh phúc.
Cá nhân tôi cũng vậy, năm nay tôi không có ý định đi du lịch mà đón Tết ở Hà Nội, tôi rất mong được thông qua các phương tiện truyền thông tìm hiểu về tình hình đón Tết của người dân Việt Nam.
Qua VietNamNet, tôi xin gửi lời chúc Tết tới đông đảo người dân Việt Nam, chúc mọi người năm mới hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, hy vọng mọi người đón Tết thật vui vẻ.
Theo Thái An (VietNamNet)