Chị ve chai ở Sài Gòn nhận 5 triệu yen trong 10 ngày tới

19/05/2015 07:03:53

Công an quận Tân Bình (TP HCM) đã bác đơn của bà Ngọt và đang thực hiện thủ tục pháp lý bàn giao hơn 5 triệu yen cho người mua ve chai.

Công an quận Tân Bình (TP HCM) đã bác đơn của bà Ngọt và đang thực hiện thủ tục pháp lý bàn giao hơn 5 triệu yen cho người mua ve chai.

Theo người phụ nữ này, chiều 18/5, bà đến Công an quận Tân Bình và nhận được văn bản của công an về việc trao số tiền cho người bán ve chai vì thời hạn một năm tìm chủ sở hữu đã hết.

Bà Phạm Thị Ngọt cho biết công an thông báo sẽ giao tiền cho người mua ve chai. Ảnh: Trường Nguyên.
 
"Giờ chúng tôi không còn hy vọng gì nữa. Chồng đang trị bệnh ở Nigeria, đồng nghiệp cũ của ông ấy ở Nhật Bản hứa giúp xác nhận giấy tờ liên quan đến thu nhập, nhưng đến giờ vẫn chưa được", bà Ngọt nói.

Bà cho biết, sẽ tiếp tục thu thập giấy tờ để chứng minh ông Caleb từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam hợp pháp chứ không sử dụng hộ chiếu giả như một số cơ quan chức năng thông tin những ngày qua.

Trước đó, ngày 13/5, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM (PA72) cung cấp thông tin cho Công an quận Tân Bình về hành vi sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh vào Việt Nam của ông A.Caleb. Ngoài ra, nơi làm việc của người đàn ông gốc Phi này cũng là địa chỉ "ma".

Phía cơ quan chức năng Việt Nam đã nhờ Đại sứ quán nước bạn xác minh hộ chiếu của ông A.Caleb. Kết quả, nơi này khẳng định passport trên là giả.

Do đó, những giấy tờ bà Ngọt cung cấp cho Công an quận Tân Bình như thẻ lưu trú và giấy phép lao động (có cùng thời hạn từ 6/2010 đến 6/2013) không có giá trị liên quan đến việc xác minh chủ sở hữu hơn 5 triệu yen.

Bà Ngọt phản bác: "Chồng tôi không sử dụng giấy tờ giả như họ nói. Đại sứ quán thông báo hộ chiếu của ông ấy hết hạn, nên không tồn tại trong kho lưu trữ hồ sơ, chứ không phải là giả mạo. Trong quá trình chung sống, ông Caleb chưa bao giờ dùng tên nào khác".

Về địa chỉ công ty U.Đ.L - nơi ông Caleb làm giáo viên, theo bà Ngọt, do giám đốc công ty thấy giá thuê mặt bằng quá cao nên chuyển về quận Gò Vấp. "Cái sai ở đây là do công ty không thông báo di dời với cơ quan chức năng, chứ không phải lỗi của ông Caleb. Tôi từng đến và chứng kiến việc chồng mình dạy ngoại ngữ ở công ty trên", bà Ngọt nói.

Chị Hồng hàng ngày vẫn đi mua ve chai mưu sinh. Ảnh: Trường Nguyên.

Chiều 19/5, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng cùng luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) có buổi làm việc với Công an quận Tân Bình về những khiếu nại của chị Hồng trước đó cùng cơ sở pháp lý của đơn xin nhận tiền của bà Ngọt.

Công an quận thông báo cho chị Hồng biết đã có quyết định bác đơn xin nhận số tiền của bà Ngọt vào chiều 18/5. Trong vòng 10 ngày tới, công an thực hiện các thủ tục bàn giao hơn 5 triệu yen cho chị Hồng.

Theo luật sư Hà Hải, bà Ngọt vẫn chưa có bằng chứng pháp lý cũng như giấy ủy quyền của ông Caleb, nên người này không có căn cứ để gửi đơn. Hơn nữa, vụ việc đã quá thời hạn một năm giải quyết nên Công an quận Tân Bình bác đơn của bà Ngọt là đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người tìm thấy hơn 5 triệu yen trong thùng loa cũ cho biết, cảm giác lúc này rất vui vì mọi chuyện đã được làm sáng tỏ và sắp đến ngày kết thúc.

Vừa từ Công an quận Tân Bình về, chị lại đẩy chiếc xe mua ve chai đi làm. Chị hồ hởi: "Dù hy vọng số tiền trên sẽ trở lại với mình và đến nay đã gần như chắc chắn, tôi vẫn lao động mưu sinh như trước. Đâu thể ngồi không chờ may mắn đến với mình hoài được".

>> Công an Tân Bình bác đơn bà Ngọt, sẽ giao trả 5 triệu Yen cho chị ve chai
>> Vụ 5 triệu yen: Bà Ngọt nói chồng không dùng giấy tờ giả
>> Sự thật động trời về "ông chủ" 5 triệu yen Nhật đến từ châu Phi
>> Vụ nhặt được 5 triệu yên: Nhân vật xuất hiện “phút 89” bổ sung giấy tờ
>> Công an tiếp tục "giam" 5 triệu yen, 'tỉ phú ve chai' tuyệt vọng
>> 9 năm nữa "tỉ phú ve chai" mới được nhận 5 triệu yen?

Theo Trường Nguyên (Zing.vn)

Nổi bật