Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 19/4 cho biết đã có công văn đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện loạt biện pháp để kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng. Công văn được gửi đến sở y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố.
Trong đó, cơ quan của Bộ Y tế yêu cầu địa phương tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố; Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hậu kiểm; Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Các địa phương cũng cần hướng dẫn người dân phân biệt quảng cáo vi phạm (ví dụ: quảng cáo có bác sĩ, cam kết khỏi bệnh, thiếu dòng cảnh báo…); Rà soát các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng, website… để gỡ bỏ các sản phẩm chưa công bố; Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm quảng cáo sai phạm trên mạng xã hội.
Hôm 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 loại sữa giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Thông tin khiến người dân lo lắng, bất an, do các loại sữa thuộc các công ty trong đường dây này sản xuất, đăng ký công bố sản phẩm không chỉ được bán công khai trên thị trường mà còn "lọt" vào các bệnh viện, được nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân sử dụng.
Cục An toàn thực phẩm hôm 15/4 cho biết theo phân cấp, các loại sữa trên đây nằm trong nhóm thực phẩm do địa phương quản lý. Doanh nghiệp được tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề về công tác hậu kiểm còn lỏng lẻo, là lỗ hổng để hàng trăm loại sữa giả "ung dung" tuồn ra thị trường trong suốt 4 năm qua.
Thực tế, tại Hoà Bình, nơi có 305 loại sữa (chiếm hơn 50%) của 4 công ty trong hệ sinh thái 11 công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa giả đăng ký công bố sản phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chưa một lần kiểm tra, hậu kiểm bất kỳ công ty hay sản phẩm nào trong số này.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả hoặc chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Thông tin tra cứu tại: https://vfa.gov.vn (website của Cục An toàn thực phẩm) và https://dichvucong.moh.gov.vn.
Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trên nhãn: tên, ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần, công dụng, cảnh báo, địa chỉ thương nhân.
Theo Võ Thu (VietNamNet)