Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - về câu chuyện này. Bà Minh cho biết:
- Tại trang 6, báo cáo số 370 ngày 31-5-2018 của Bộ GD-ĐT gửi đại biểu Quốc hội có ghi: chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục gần 20% nhưng chủ yếu là chi thường xuyên (chi lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động bộ máy) khoảng 86,7%.
Chi đầu tư chỉ chiếm 13,3% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Trong đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý chưa đến 5% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT, 95% còn lại do các bộ ngành và địa phương quản lý và sử dụng.
Bộ GD-ĐT khó có thể tham gia, đề xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp GD-ĐT ở các bộ ngành, địa phương.
* Vậy khoản 20% ngân sách nhà nước chi cho ngành giáo dục được Bộ GD-ĐT quản lý sử dụng như thế nào, thưa bà?
- Việc Bộ GD-ĐT khó tham gia, đề xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí cũng đồng nghĩa với việc bộ này sẽ khó có thể chịu trách nhiệm trong việc quản lý, điều tiết và sử dụng khoản ngân sách này.
Ủy ban chúng tôi cho rằng ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực GD-ĐT không rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT; cơ chế phân bổ, sử dụng thiếu rõ ràng, minh bạch.
Đặc biệt là sự mất cân đối nghiêm trọng về tỉ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi để phát triển toàn diện theo luật định đang còn quá nhiều bất cập hiện nay.
* Thực tế như bà vừa nói, có đến 86,7% trong số 20% ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT là dùng để chi thường xuyên, hoạt động bộ máy. Theo bà có hợp lý không?
- Nhìn vào con số này, chúng ta thấy rất rõ sự bất hợp lý. 13,3% là con số quá nhỏ để chi cho đầu tư phát triển, tổ chức hoạt động dạy và học.
Điều này cũng lý giải thực trạng về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, trường lớp học bị xuống cấp và không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đang tồn tại phổ biến ở nhiều nơi hiện nay.
Sự bất hợp lý này được phản ánh rõ hơn khi trên 90% nhà giáo từ cấp học mầm non đến cao đẳng, đại học đều đang giảng dạy và làm việc trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
* Bà có cho rằng nên tính đến việc sắp xếp, tinh giản biên chế trong ngành giáo dục?
- Có thể thấy việc dùng khoản ngân sách nhà nước khá lớn để trả lương hiện đang là áp lực lớn đặt lên vai Chính phủ.
Nếu tháo gỡ được nút thắt nêu trên để thu hút nhà đầu tư, thu hút người dạy và người học ra giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục, kéo giảm sĩ số học sinh ở các trường công và kéo khoảng 40% đội ngũ nhà giáo hiện hành ra làm việc ở các trường tư thì các mục tiêu đặt ra mới đi vào thực chất.
Bên cạnh việc tháo gỡ nút thắt nêu trên, việc tính đến nhiệm vụ sắp xếp, tinh giản đội ngũ nhà giáo không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của giai đoạn mới là những việc không thể không làm.
Việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo; tuyển dụng, đãi ngộ, cất nhắc, đề bạt, khen thưởng đội ngũ nhà giáo đòi hỏi phải có Luật nhà giáo điều chỉnh và phải được quy định tường minh, phù hợp, bình đẳng giữa cơ sở GD-ĐT công lập và tư thục (chỉ khác về nguồn kinh phí chi trả thuộc về nhà nước hay nhà đầu tư mà thôi).
Khi có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, rõ vị thế của nghề đặc thù, cùng với việc tuyển dụng chặt chẽ, khắt khe (không chỉ là viên chức đơn thuần, nhà giáo còn phải đáp ứng "Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp" do ngành giáo dục ban hành) đi kèm chính sách tương xứng trong đào tạo, tuyển mới đội ngũ nhà giáo (cả công và tư) để có đội ngũ năng động, đủ tâm, đủ tầm bổ sung vào bộ máy hiện nay.
Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nhóm trẻ độc lập
* Riêng về chính sách với đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục mầm non, đặc biệt với nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi, bà có hiến kế giải pháp nào để giúp Chính phủ tháo gỡ những bất cập hiện nay?
- Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện tại cả nước đang thiếu trên 26.000 giáo viên mầm non và trẻ dưới 36 tháng tuổi mới đạt 27,7% trẻ có chỗ học, chỗ gửi (cả công và tư).
Việc hợp đồng giáo viên mầm non như hợp đồng các lao động đơn thuần khác, trong khi họ phải thay thế hoàn toàn người giám hộ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ... vì lợi ích tốt nhất của trẻ nhỏ theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà VN đã ký kết... chưa được đặt ra đang làm giảm tính hấp dẫn nghề nghiệp, giảm vị thế nhà giáo trước xã hội và rất cần được Chính phủ xem xét tháo gỡ kịp thời.
Mặt khác, nghị định 108 về tinh giản biên chế... chưa phù hợp để áp dụng trong ngành giáo dục, cần có nghị định phù hợp hơn. Khi đó sẽ có một đội ngũ không nhỏ nhà giáo xin rời ngành giáo dục sau quy trình đánh giá, tuyển dụng, xem xét... trước yêu cầu đòi hỏi cao của giai đoạn mới, đề nghị ngành giáo dục cần tham mưu để Chính phủ ban hành cơ chế đào tạo lại đội ngũ này khi họ có nhu cầu về địa phương mở nhóm trẻ độc lập tại gia đình.
Nhà nước hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi (nguồn chênh lệch hưởng lợi do ưu đãi dựa trên số lượng trẻ thu hút) để kéo giảm mức học phí cho các trẻ nhỏ tại những cơ sở này, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, đảm bảo công bằng với mỗi trẻ nhỏ gửi ở các cơ sở công lập.
Với các khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu rõ trách nhiệm nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động trong việc mở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, có lẽ nhiều trường lớp mầm non tư thục sẽ được mở ra với mức học phí phù hợp, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cán bộ công nhân viên hiện nay ở những khu vực này…
Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)