|
Ngày 25/3, cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). |
Ông Huỳ là người thắng tại phiên đấu giá cây gỗ sưa hồi tháng 8/2016.
Theo ông Hiến, cùng ngày, sau khi bàn bạc, thống nhất với địa phương, ông Hùy đã đồng ý hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng, nâng tổng giá trị của cây sưa cho đến khi chặt hạ, bàn giao là 26 tỷ đồng.
Sau khi chặt hạ xong cây gỗ, ông Huỳ đã bàn giao đủ số tiền tại đình làng trước sự chứng kiến của người dân địa phương.
Ông Hiến cho hay, một số phần rễ, cành cây sưa đã bị thối, hỏng nên lượng gỗ thu về cũng không được nhiều.
"Việc chặt hạ cây sưa nhận được sự đồng thuận của cấp trên, nhân dân. Số tiền sẽ được dùng vào việc xây dựng, tu bổ, kiến thiết ở địa phương", ông Hiến nói.
Người đấu giá thành công cây gỗ sưa cho biết thêm, cây gỗ sưa sẽ được mang về xẻ ra tại xưởng của gia đình ông và đóng các đồ gỗ quý giá để bán.
Thân của cây gỗ sưa (ảnh: Đan Hạ) |
Trước đó, ngày 1/8/2016, tại trụ sở Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành đã tổ chức bán đấu giá cây sưa 200 năm tuổi.
Giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là 23.964.672.000 đồng, không có thuế giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Hùy tại phiên đấu giá trong lần trả giá thứ 16 ông đã trả mức giá cao nhất là 24,5 tỷ đồng so với 4 người còn lại cùng tham gia.
Đến ngày 7/12/2016, UBND xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) tổ chức cuộc họp bàn giải pháp chặt hạ cây sưa cho người trúng đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình họp bàn, xuất hiện một số đối tượng gây rối, ẩu đả dẫn đến một người bị chảy máu đầu nên cuộc họp buộc phải dừng lại.
Sau đó, UBND huyện Thuận Thành đã ra văn bản yêu cầu UBND xã Hà Mãn tạm dừng khai thác cây gỗ sưa để ổn định tình hình an ninh trật tự, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng gây rối.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)