Ngày 24-4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh báo cáo về việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, trong đó có chi phí mua máy xét nghiệm Realtime PCR.
Không hề khuất tất!
Theo ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, ngày 1-4, CDC Quảng Nam đưa vào hoạt động máy xét nghiệm Realtime PCR phục vụ công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng. Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR giúp việc xét nghiệm sinh học phân tử, phát hiện SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm từ các đối tượng nhiễm và nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 nhanh chóng, chính xác. Ông Kiệm cho biết chỉ là đơn vị "thụ hưởng" từ Sở Y tế chứ không biết mức giá bao nhiêu.
Chiều 24-4, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc chỉ định mua máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 7,5 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR theo quyết định của UBND tỉnh chứ không phải sở tự ý làm. UBND tỉnh phê duyệt kinh phí mua máy 7,56 tỉ đồng nhưng sau đó sở thương lượng với nhà cung cấp nên giảm xuống còn 7,2 tỉ đồng. Ông Hai cho hay mức giá do nhà cung cấp đưa ra, sở đã tham khảo giá ở một số tỉnh, thành khác, việc mua máy không hề có khuất tất.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 24-3, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định số 793/QĐ-UBND về việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Theo đó, UBND tỉnh phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020 cho Sở Y tế số tiền 7,56 tỉ đồng để mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Giá gói thầu đã bao gồm các loại thuế, phí, chi phí nghiệm thu, bốc xếp, vận chuyển, lắp đặt và chuyển giao công nghệ tại nơi sử dụng; bảo đảm đúng tính năng kỹ thuật. Hình thức lựa chọn nhà thầu là "chỉ định thầu rút gọn".
Trước đó, theo thông cáo báo chí ngày 20-4 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua, BCĐ tỉnh Quảng Nam đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, dự toán và kế hoạch mua sắm cho 18 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa TP Hội An và 33 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh những trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác giám sát phòng chống dịch như: máy quét thân nhiệt tự động, máy thở chức năng cao, máy thở xách tay, máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO, hệ thống X-quang di động, hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế các loại..., với tổng kinh phí là 62,88 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã mua hệ thống máy này với giá 7 tỉ đồng thông qua hình thức chỉ định thầu. Còn tại Hà Nội, cơ quan công an xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào giá đội lên 7 tỉ đồng, cao hơn 3 lần. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan; khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng, trong đó có ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội.
Chỉ định thầu dễ xảy ra tiêu cực
Điều 22 Luật Đấu thầu quy định chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng với một số trường hợp, trong đó có gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, theo một chuyên gia thì chỉ định thầu như thế nào hiện không có quy định rõ ràng. Tùy đơn vị xây dựng giá hoặc căn cứ vào hợp đồng mua bán trước đó rồi xây dựng giá. Việc thẩm định giá này được một cơ quan thứ 3 thẩm định.
"Khác với quy định về đấu thầu là cạnh tranh để chọn ra nhà cung ứng có giá thấp nhất thì hình thức chỉ định thầu với việc lựa chọn nhà thầu này có ưu điểm rút ngắn thủ tục triển khai dự án. Nhưng có thể có nhược điểm là chi phí cao hơn so với các hình thức khác bởi thiếu cạnh tranh, dễ xảy ra tiêu cực vì gắn liền với cơ chế xin - cho" - vị chuyên gia này phân tích.
Nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm, không phải chuyển mẫu bệnh phẩm lên tuyến trên, một số địa phương đã đầu tư mua sắm hệ thống máy xét nghiệm phát hiện Covid-19. Chẳng hạn tỉnh Thái Bình đã đầu tư trên 6 tỉ đồng mua sắm hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 và test xét nghiệm cho CDC tỉnh Thái Bình. Theo một nguồn tin, giá ban đầu của hệ thống máy này là 6 tỉ đồng nhưng sau khi đàm phán, giá giảm xuống còn 5,8 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các tỉnh mua thiết bị cần tham khảo giá rộng rãi được công bố trên Báo Đấu thầu, đặc biệt là mua trực tiếp của nhà nhập khẩu, đơn vị phân phối trực tiếp, không mua bán lòng vòng qua các công ty trung gian, tránh để bị đẩy giá cao.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định. Để bảo đảm đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm đang có nguồn cung hạn chế và giá thành cao.
Quảng Trị mua máy chỉ 1,5 tỉ
Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã trang bị một hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 1,5 tỉ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ với giá 650 triệu đồng để phòng chống dịch Covid-19. Việc mua bán các thiết bị trên tiến hành khoảng 1 tháng trước, do CDC tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, thông qua hình thức chỉ định thầu.
Theo ông Hùng, lúc đầu hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR có giá 1,65 tỉ đồng nhưng qua đàm phán giá giảm xuống còn 1,5 tỉ đồng. Tỉnh mua được với mức giá trên có thể do vào tháng 4 giá nhập từ nước ngoài đưa về đã giảm. "Bên cạnh các thiết bị trên, UBND tỉnh hiện yêu cầu mua máy thở. Tuy nhiên, tình hình dịch đang lắng xuống nên chúng tôi đang chờ sản phẩm máy thở trong nước sản xuất để mua cho rẻ" - ông Hùng chia sẻ.
Theo Đ.Nghĩa (Nld.com.vn)