Chất lượng không khí ngày 17/1: TP.HCM vẫn ở mức kém, Hà Nội trong lành

17/01/2020 10:22:29

Sáng 17/1, tại các điểm quan trắc, chất lượng không khí Hà Nội ở mức tốt. Ngược lại, chất lượng không khí ở TP.HCM ở ngưỡng xấu và rất xấu.

Chất lượng không khí ở Hà Nội liên tiếp 3 ngày nay ở mức tốt. Người dân yên tâm đi mua sắm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Chất lượng không khí ngày 17/1: TP.HCM vẫn ở mức kém, Hà Nội trong lành
Không khí Hà Nội trong lành trong sáng 17/1.

Lúc 8 giờ sáng ngày 17/1, theo ứng dụng Air Visual cho thấy, không khí đang ở ngưỡng màu vàng. Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual), áp dụng cách tính AQI của Mỹ cho hay, giá trị AQI là 79.

Chất lượng không khí ngày 17/1: TP.HCM vẫn ở mức kém, Hà Nội trong lành - 1
Chất lượng không khí ở TP.HCM ở ngưỡng cảnh báo màu đỏ.

Tại TP.HCM, chất lượng không khí được Air Visual cảnh báo xấu hơn Hà Nội, giá trị AQI là 158 – tương đương ngưỡng cảnh báo màu đỏ. Hầu hết các điểm đo đều cho ra chỉ số màu đỏ - không tốt cho sức khỏe con người. AQI dao động từ trên 150 - 185, chỉ có 2, 3 điểm có chất lượng không khí ở mức màu cam - không tốt cho nhóm đối tượng nhạy cảm.

Đặc biệt, có 1 điểm có chất lượng không khí xấu nhất tại TP.HCM là ấp Xuân Thới Đông 2 (huyện Hóc môn) chỉ số AQI là 268 ở mức màu tím - nguy hại cho sức khỏe con người.

Với kết quả đo lường trên, TP.HCM xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn điện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).

Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tính tới ngày 18.8.2019, toàn TP có gần 7,89 triệu phương tiện xe cơ giới, trong đó có 734.806 xe ô tô và gần 7,2 triệu xe gắn máy. Với tốc độ gia tăng "chóng mặt" về số lượng, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.

Do đó, các chuyên gia nhận định việc cuối năm, lượng phương tiện đổ ra đường tăng cao, nhiều tuyến đường ùn tắc cả ngày, cộng thêm không khí tại TP.HCM vài ngày qua bắt đầu se lạnh vào sáng sớm và đêm, trời sáng có sương mù khiến cho lượng bụi mịn khó phát tán, ô nhiễm không khí gia tăng.

Số liệu cập nhật lúc 8h, lấy số liệu từ ứng dụng Air Visual. Các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, máy đo.

Theo Phong Linh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật