Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, đến hết trưa 27/1, nhóm thợ được thuê và người dân trong thôn mới tiến hành chặt hạ xong phần cành của một trong hai cây sưa đỏ ở chùa làng.
Hiện tại, máy múc đã được huy động để đào xung quanh phần gốc, rễ của cây sưa... nhằm chuẩn bị cho việc chặt hạ.
"Do lượng người, máy móc không đông nên chúng tôi đang cố gắng chặt hạ xong cây sưa đỏ nhỏ trong hôm nay. Đối với cây sưa đỏ từng được trả giá trăm tỷ nằm cạnh cổng, do vấn đề bảo vệ nên sẽ phải thực hiện việc chặt hạ trong ngày mai", ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, toàn bộ số gỗ sưa thu được trong sáng nay đã được kiểm đếm, đo đạc, đánh dấu và chuyển vào thùng container để trước trụ sở nhà văn hóa thôn. Ngoài việc khóa cẩn thận, thôn và xã cũng cử cán bộ, bảo vệ túc trực 24/24h.
"Phần thân chính và gốc là quý nhất của cây sưa đỏ sau khi được chặt hạ sẽ được đưa vào container nhằm bảo vệ. Qua quan sát, thân của cây sưa nhỏ có đường kính khoảng 60 - 70cm, phần lõi màu đỏ au, chất lượng tốt", ông Tuyến nói.
Trưởng thôn Phụ Chính cho biết thêm, để đảm bảo chất lượng gỗ khi chặt hạ, thôn cũng mời 2 người chuyên kinh doanh, hiểu rõ về gỗ sưa tham gia Ban đại diện, giám sát từ đầu đến cuối.
"Riêng vấn đề giá cả thì chúng tôi chưa khảo sát mà để sau Tết sẽ mời một đơn vị đấu giá giúp đỡ, đưa ra mức giá để tiến hành bán.
Toàn bộ số tiền thu được sẽ để xây dựng các công trình thiết yếu của địa phương và thực hiện theo ý kiến của bà con nhân dân", ông Tuyến nói thêm.
Theo ghi nhận của PV, trong lúc tiến hành việc đào gốc cây sưa, nhiều phần rễ của cây do máy múc xén vào đã bị gãy, chẻ làm đôi, lộ rõ phần lõi đỏ. Mỗi lần có khúc rễ nào bị chẻ đôi như vậy, người dân lại hét lớn, đề nghị các công nhân làm cẩn thận.
"Chẻ đôi khúc rễ, lõi thế này là dân làng mất cả chục tấn thóc rồi. Đừng bới máy nữa mà làm tay đi", một thành viên trong Ban đại diện cộng đồng dân cư nói lớn.
Theo lý giải của vị này, gỗ sưa quý nhất là phần lõi và với lõi đỏ au như ở rễ cây sưa làng Phụ Chính được đào lên như thế này rất có giá.
"Gỗ sưa loại đường kính trên 40cm giờ cũng có giá 20 - 30 triệu/kg; còn nếu bị chẻ đôi, xước thì dù vẫn bán được nhưng giá giảm đi rất nhiều, có khi mất đi 2/3", vị này phân tích.
Lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Hà Nội thông tin, sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên trách xuống kiểm tra và đóng dấu cho từng khúc gỗ.
Trước đó, theo các cụ cao tuổi, trong khuôn viên chùa Phụ Chính trước đây có 4 cây sưa nhưng sau năm tháng, chỉ còn hai cây.
Năm 2010, thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho cây sưa bên cạnh cổng. Trong năm này, người dân cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Tuy nhiên, từ cành sưa này đã dẫn đến những "lùm xùm" suốt 8 năm qua.
Tháng 10/2018, sau khi các "lùm xùm" được giải quyết, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Các phần cành, thân của cây sưa sau khi được chặt hạ. |
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)