Khi được tuyên truyền, giải thích “thuốc thư” không có thật, đồng bào dân tộc J’rai đã bớt sợ đi nỗi sợ hãi. Ảnh: Cao Tuân |
Đến nay, người dân làng Jơ Long, xã Hà Ra, huyện Mang Yang vẫn chưa hết bàng hoàng sau việc Kher (51 tuổi) tuyên bố có “thuốc thư”. Từ già làng cho đến người dân đều phẫn nộ và đòi đuổi cả nhà Kher ra khỏi làng, buộc chính quyền phải vào cuộc để giải quyết triệt để.
Ngay sau đó, cuộc họp dân với 125 người cùng với đại diện chính quyền xã Hà Ra, huyện Mang Yang được diễn ra. Kher cúi đầu thú nhận mình không hề có “thuốc thư” mà chỉ bịa ra trong những lúc uống rượu. Thế nhưng, cũng từ đây lộ ra chuyện Kher lợi dụng “thuốc thư” để cưỡng hiếp nhiều phụ nữ trong làng. Nghe tin này, nhiều ông chồng trong làng rụng rời chân tay, cứ nhìn chằm chằm như tra hỏi vợ mình, còn đám thanh niên trong làng thì một hai đòi giết Kher. May mắn là có sự can thiệp kịp thời của chính quyền và công an, nếu không tính mạng Kher đã bị đe dọa.
Một số phụ nữ trong làng Jơ Long tố cáo, mỗi lần Kher nhắm được “con mồi”, Kher lại đòi quan hệ tình dục và dọa: “Nếu không cho, tao bỏ thuốc, rồi cả mày, chồng mày chết hết”. Dù chỉ là lời nói miệng nhưng đối với người dân nơi đây hai chữ “thuốc thư” như lưỡi dao kề bên cổ bất cứ lúc nào. Chính vì bóng ma “thuốc thư” đè nặng trong tiềm thức của họ nên một số chị em đã không vượt qua được nỗi sợ hãi và chấp nhận bị y hãm hiếp nhiều lần trong thời gian dài.
Trong suốt 10 năm, Kher đã dọa có “thuốc thư” để quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ. Trước sự chứng kiến của dân làng, của cán bộ địa phương thì ít nhất 7 phụ nữ đã đứng ra tố cáo và Kher đã thú nhận hành vi thú tính của mình. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Nhậu nhiều ra máu cũng bị nghi có… “thuốc thư”
Hai già làng của người dân tộc Ba Na kể về những câu chuyện các đối tượng đồn thổi có “thuốc thư” để trục lợi. |
Trò chuyện với chúng tôi, Hlin luôn cúi mặt, bởi ăn năn khi đánh chết bạn tại khu rẫy Đăk Ram năm xưa do mù quáng. “Giờ mình mới biết “thuốc thư” không có thật. Thời đó, nghe dân làng nói đến “thuốc thư” nên mình bức xúc kêu thanh niên đánh Kel và Duân, chứ có biết nó là cái gì đâu. Ngày ra trại, mình và 6 người còn lại đã mua con lợn đến những gia đình đó để xin lỗi, mong được tha thứ”, Hlin cho biết.
Nhắc về câu chuyện đau lòng này, ông H’Lây nhớ lại: “Nguyên nhân một phần từ mấy ông thầy bói, thầy cúng và sự cả tin của người dân. Cứ bị đau là thầy mo phán là bị “thuốc thư” và phải làm lễ cúng bái, đuổi ma. Nhưng thực ra làm gì có, họ chỉ lừa mình để cúng gạo, cúng gà. Dân mình kém hiểu biết thì mới tin...”.
Đa phần những vụ án đau lòng xảy ra liên quan đến “ma lai, thuốc thư” đã để lại cho người dân nơi đây bao hậu quả nặng nề ở các bản, làng. Nó cứ như mồi lửa âm ỉ, chỉ cần có điều kiện là bùng lên dữ dội. Mặt khác, câu chuyện “thuốc thư” cũng được xem như câu chuyện làm quà “hồi môn” mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Cũng có những câu chuyện mà khởi đầu từ sự buột miệng, hoặc muốn trêu tức người khác mà một số người vô tình làm cho mình trở thành nạn nhân đau lòng.
Một sự việc điển hình xảy ra ngay tại thành phố Pleiku, trong một lần đi rẫy, thấy không có ai nói chuyện với mình nên AYin (SN 1987, trú làng Wâu, xã Chư Á) buông lời: “Mọi người thấy tôi có “thuốc thư” hay sao mà không ai nói chuyện với tôi hết vậy?”. Rồi một lần khác trong cơn tức giận với người bạn tên Huh nên AYin tuyên bố: “Tao có “thuốc thư” đấy, mày coi chừng tao!”.
Rồi bi kịch cũng chẳng chừa AYin, trong lúc nhậu, cậu của Ayin là Mlưm bị nôn ra máu. Cho rằng AYin bỏ “thuốc thư” nên mọi người đánh AYin tới tấp, đòi phải đưa thuốc giải. Bản thân AYin lúc ấy vừa đau đớn vừa lo sợ vì “thuốc thư” không có thật thì lấy đâu ra thuốc giải. May mắn sau đó, một cán bộ xã đã đưa Mlưm đi khám bệnh. Lúc này, mọi người mới té ngửa vì Mlưm bị xuất huyết dạ dày do… nhậu quá nhiều. Riêng AYin sau khi bị đánh một trận nhừ tử đã ngậm ngùi nhận ra rằng, nhiều lúc lời nói đùa, lộng ngôn của mình đã tự hại bản thân.
Thượng tá Lê Ngọc Tươi, Phó Phòng An ninh xã hội (PA88, Công an tỉnh Gia Lai). |
Thế nhưng, qua những câu chuyện buồn về “thuốc thư”, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn trong việc phá bỏ hủ tục này. Đại tá Thọ bảo, dù không ai biết “thuốc thư” hình thù, đặc điểm như thế nào nhưng nó như ăn sâu vào tâm trí của những người dân tộc thiểu số Ba Na, J’rai. “Để bài trừ dứt điểm hủ tục ma lai, thuốc thư này không phải việc có thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần phải có sự bền bỉ, kiên trì. Ngoài việc vào cuộc của lực lượng Công an, cần có sự ngăn chặn và giải quyết kịp thời các vụ việc từ các cấp chính quyền địa phương và đoàn thể khác. Nếu cùng làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho bà con mình hiểu “ma lai, thuốc thư” chỉ là trò lừa bịp của một số đối tượng thì mới sớm loại bỏ được hủ tục này”, Đại tá Trần Văn Thọ chia sẻ.
Thượng tá Lê Ngọc Tươi, Phó trưởng phòng An ninh xã hội (PA88, Công an tỉnh Gia Lai) cũng cho hay: Có thể thấy rằng “thuốc thư” rồi “ma lai” đều là những thứ không có thật nhưng vì sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu của nhiều người dân đã dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt, làm điều sai trái và vi phạm pháp luật.
Theo Thượng tá Lê Ngọc Tươi, không ít người bị nghi có “thuốc thư” nên bị dân làng đánh đập, phạt tội. Trước đây, người Ba Na còn có tục “lặn nước” để tìm người có “thuốc thư”. Dưới sự chứng kiến của dân làng, người bị nghi có “thuốc thư” phải lặn xuống nước với người ngang tuổi trong gia đình mình, nếu “nghi phạm” bị nổi lên trước nghĩa là người đó… có “thuốc thư”. Để chứng minh mình vô tội, có người đã phải chịu chết đuối. Qua vận động, đấu tranh kiên trì của các ngành, các cấp, hủ tục “lặn nước” hiện đã bị xóa bỏ. |
Ngày đêm đi bản tuyên truyền xóa bỏ “thuốc thư” Suốt nhiều năm qua, người dân các bản làng Ba Na, J’rai đã quen thuộc với hình ảnh ông Hwing Son, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Krông Pa, tỉnh Gia Lai đi đến từng nhà để tuyên truyền bà con không nên tin theo những lời mê tín dị đoan về “ma lai, thuốc thư”. Gặp chúng tôi, ông Hwing Son tâm sự: “Bao đời nay, người ta cứ nói đến “thuốc thư” nhưng có ai thấy, ai biết nó là gì đâu nhưng ai cũng sợ. Một lần, rồi nhiều lần, chúng tôi phải tuyên truyền để dần dần bà con hiểu: “Thuốc thư” là thứ không có thật”! |