18 năm trước, anh Nguyễn Quốc Vũ (SN 1984, quê Khánh Hòa) mới chỉ là cậu sinh viên nghèo rời quê đến TP.HCM học tập.
Những năm ấy, nhà Vũ thuộc diện hộ nghèo. Để có tiền trang trải, tại TP.HCM, Vũ phải vừa học vừa làm. Năm 2004, Vũ dành dụm được 500.000 đồng. Cuối năm, một mình anh chạy chiếc xe máy cũ nát về quê đón Tết đoàn viên.
Tuy nhiên, khi lưu thông đến Căn cứ 4 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), Vũ không may va vào 2 người đi đường. Bị thương nặng, các nạn nhân được đưa vào bệnh viện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cấp cứu.
Gây tai nạn, chàng sinh viên nghèo hoảng hốt. Thế nhưng, Vũ vẫn kịp nghĩ đến việc vét sạch số tiền mình dành dụm được, gửi cho gia đình nạn nhân lo thuốc men, viện phí. Người thân nạn nhân từ chối vì số tiền ấy không đủ chi trả thuốc men.
Anh Vũ nhớ lại: “Đó là số tiền tôi tích góp để đem về quê cho má và gia đình ăn Tết. Nhưng khi vô tình gây tai nạn, tôi đã vét sạch, gửi số tiền ấy cho gia đình nạn nhân. Họ không đồng ý và không chịu ký vào đơn bãi nại cho tôi”.
“Đúng lúc ấy, anh Phạm Hải Tiệp, một chiến sĩ CSGT huyện Hàm Tân bất ngờ gửi cho tôi 4 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng rồi nói: “Anh cho mày nè. Đưa cho họ đi rồi về ăn Tết cùng gia đình", anh kể thêm.
Vũ nhận, cầm tiền gửi lại cho gia đình nạn nhân. Họ đồng ý ký đơn bãi nại. Các chiến sĩ CSGT cho phép nam sinh viên nghèo tiếp tục về quê sau vụ va chạm giao thông.
Vũ về đến nhà trong tình trạng mặt mũi, tay chân đầy vết thương. Không còn số tiền đã dành dụm được, năm ấy, Vũ và gia đình buộc phải đón “một cái Tết không có gì”.
Thế nhưng, cậu sinh viên nghèo cảm thấy ấm lòng vì được giúp đỡ bởi một người xa lạ trong thời khắc khó khăn nhất. Anh tự nhủ với lòng mình phải tìm cho bằng được vị cán bộ CSGT ấy để nói lời cám ơn.
Gặp lại ân nhân sau 18 năm
Sau cái Tết “không có gì” với gia đình, anh Vũ bắt tay ngay vào việc tìm kiếm ân nhân để nói lời cám ơn. Tuy vậy, vì nhiều lý do khách quan, anh không tìm được bất cứ thông tin nào về vị cán bộ này.
Không bỏ cuộc, anh Vũ vẫn tiếp tục tìm kiếm. Anh nói: “Suốt 18 năm qua, năm nào tôi cũng đến huyện Hàm Tân tìm anh Tiệp để nói lời cám ơn. Bởi, nếu không có sự giúp đỡ ấy, có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác”.
“Nếu không được gia đình nạn nhân ký đơn bãi nại, tôi có thể vướng vòng lao lý và cuộc đời tôi sẽ không như bây giờ. Trong một lần gặp người anh thân thiết, tôi kể lại câu chuyện mang ơn anh Tiệp. Thật bất ngờ, anh bạn của tôi lại biết anh Tiệp”, anh kể thêm.
Ngay sau đó, người này đã gọi điện thoại cho anh Tiệp để anh Vũ trò chuyện, nhận mặt ân nhân. Vẫn bán tín bán nghi, anh Vũ hỏi lại đầu dây bên kia để đảm bảo mình tìm đúng người.
Sau khi vị cán bộ CSGT trả lời chính xác những câu hỏi của anh Vũ đặt ra, cả hai vui mừng khi tìm gặp được nhau.
Sau 18 năm, anh Vũ đã trở thành giám đốc của một công ty lớn tại TP.HCM. Trong khi đó, chiến sĩ CSGT Phạm Hải Tiệp năm xưa giờ là thiếu tá, công tác tại Đội CSGT-TT Công an huyện Hàm Thuận Nam.
Ngày gặp nhau, cả hai tay bắt mặt mừng. Qua trò chuyện, anh Vũ mới phát hiện, Thiếu tá Hải Tiệp từng giúp đỡ rất nhiều người trong suốt thời gian công tác.
Anh Vũ chia sẻ: “Anh Tiệp kể cho tôi nghe những câu chuyện của đời mình. Thật đặc biệt, giữa chúng tôi có những câu chuyện rất tương đồng. Một trong số đó là anh cũng mang ơn một người tại TP.HCM. Cũng như tôi, anh đã tìm kiếm người này rất lâu để nói lời tri ân nhưng chưa gặp”.
Theo Hà Nguyễn (VietNamNet)