Chàng trai gốc Huế phát ngôn gây sốc 'ly hôn nếu vợ không sinh con trai', Bí thư thành uỷ bức xúc lên tiếng

02/12/2021 13:41:05

Người dân Huế đã rất bức xúc khi nhân vật Công Hoàng tự nhận mình là người Huế nói rằng "ly hôn nếu vợ không sinh con trai". Nhiều người cho rằng đó là sự bôi bẩn văn hóa Huế và đây là một trò câu view lộ liễu.

Trong những ngày qua, trên các diễn đàn mạng, nhiều người bày tỏ bức xúc với câu chuyên được phát sóng trong chương trình "Hành lý tình yêu" của VTV. Sự bức xúc khi nhân vật trong game show có tên là Công Hoàng (30 tuổi, nhận mình người Huế) nói về quan điểm chọn vợ với hàm ý: "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai" và giải thích do mỗi khi trong gia đình có giỗ kỵ thì "con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới".

Sau đó, Công Hoàng giải thích thêm thường ở các lễ cúng kỵ sẽ làm 2 mâm cỗ: mâm lớn dành cho phái nam, còn mâm dưới (có thể ngồi sau bếp) thì dành cho phái nữ.

Trả lời câu hỏi về việc mâm trên và mâm dưới có gì khác nhau, Công Hoàng nói rằng "có sự khác nhau rất lớn". Đó là sau khi cúng bái tổ tiên, các của ngon vật lạ sẽ được dọn lên mâm trên, còn mâm dưới ít đồ ăn hơn. Nếu mâm trên đồ ăn còn dư thừa thì "có thể" đưa xuống mâm dưới cho phụ nữ dùng.

Game show trên sau khi phát sóng vào cuối tháng 11 thì tạo ra dư luận bức xúc ở Huế, đặc biệt đối với giới trẻ, nhiều người đã lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm của mình. Hầu hết nghi ngờ Công Hoàng không phải là người Huế và khẳng định văn hóa Huế không tồn tại câu chuyện như Hoàng kể, đó là sự bôi xấu vào văn hóa Huế… 

Chàng trai gốc Huế phát ngôn gây sốc 'ly hôn nếu vợ không sinh con trai', Bí thư thành uỷ bức xúc lên tiếng
Nhân vật Công Hoàng (bìa phải) trong game show "Hành lý tình yêu". Ảnh chụp màn hình

Sáng 2-12, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết nhiều bạn trẻ gửi cho ông clip chương trình "Hành lý tình yêu" có Công Hoàng tự nói về quan điểm chọn vợ của mình. 

Ông Định nhận xét: "Chàng trai 30 tuổi, nói những câu ngây ngô về phong tục, truyền thống Huế. Một ông, nghe đâu là đạo diễn phim, giãy đành đạch phản đối. Một cô nàng và MC đứng ra can ngăn ông đạo diễn. Có vẻ rất kịch tính. Có vẻ là số đông đang đấu tranh với những tư tưởng cổ hủ. Phần lớn người Huế xem clip này sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm vì sự non nớt về hiểu biết văn hóa và thủ thuật cường điệu đã bị lạm dụng quá đáng".

Theo ông Định, đây là một trò câu view lộ liễu. Đây không phải là một chương trình truyền hình trực tiếp, nếu giả sử có một chàng trai Huế tư duy ấu trĩ như trong chương trình thì ông đạo diễn và ê-kip kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải "giãy" để chương trình này đừng lên sóng.

"Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra với thông điệp được nhấn mạnh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Để "dọn đường" cho quốc dân gìn giữ và xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, văn minh, cần phải loại bỏ khỏi xã hội những chương trình nhân danh văn hóa để làm những điều vô văn hóa..."- ông Định gay gắt.

Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đã có văn bản báo cáo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về sự việc chương trình hẹn hò "Hành lý tình yêu" phát sóng ngày 29/11 có người chơi đưa ra những thông tin về văn hoá Huế gây bức xúc dư luận.

"Dư luận xã hội ở Huế, của người Huế, người yêu Huế rất bất bình chuyện này. Sở đã có báo cao lên Ban Tuyên giáo xin ý kiến. Sau đó, Sở sẽ có phát ngôn chính thức về vấn đề này", ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu văn hoá Huế - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng thực tế xã hội vẫn có người có tư tưởng sinh được con trai để nối dõi nhưng không đến mức như vậy. Theo ông Hoá, ở Huế hiện nay không còn chuyện trọng nam khinh nữ như thời phong kiến.

"Ở Huế bây giờ còn nói đùa nhau rằng "có con trai chết thì sướng còn có con gái sướng đến chết". Chuyện này ngụ ý nói con trai sẽ thờ tự sau khi cha mẹ khuất núi, còn con gái sẽ chăm sóc cha mẹ nhiều hơn khi còn sống", ông Hoa nói.

Đặc biệt, ông Hoa khẳng định chuyện "mâm trên, mâm dưới" trong bữa ăn là chuyện tào lao. Ông Hoa cũng nhấn mạnh việc văn hoá Huế, người Huế không có chuyện "mâm trên ăn thừa còn lại sẽ đưa xuống cho mâm dưới ăn". Theo ông Hoa, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế cần vào cuộc, có ý kiến với đơn vị sản xuất chương trình.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật