Theo nguồn tin của PV, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xung quanh đánh giá việc đảm bảo an toàn chịu lực của kết cấu công trình trong và sau khi áp dụng phương pháp phá dỡ Giai đoạn 1 (tầng 19) tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).
Trước đó, vào ngày 9/5/2016, UBND quận Ba Đình đã có văn bản nói về những khó khăn trong công tác thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ tầng 19 tòa nhà 8B Lê Trực. Ngoài nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản này, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội đã kiểm tra Hồ sơ thiết kế phương án phá dỡ và khắc phục vi phạm công trình do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập tháng 11/2015, đã được Công ty CP Tư vấn công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng - CONINCO thẩm tra; kiểm tra Thuyết minh biện pháp thi công tháo dỡ phần xây dựng sai phép do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập tháng 1/2016, do Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cung cấp...
Cuối cùng, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội đã thống nhất với phương án, giải pháp phá dỡ Giai đoạn 1 trong phương án phá dỡ xây dựng sai phép do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập tháng 1/2016. Phương án này phù hợp với Hồ sơ thiết kế phương án phá dỡ và khắc phục vi phạm công trình do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát lập tháng 11/2015 và đã được Công ty CP Tư vấn công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng-CONINCO thẩm tra tháng 11/2015.
Cho rằng trong quá trình phá dỡ sẽ làm xuất hiện các tải trọng rung động và chấn động nên Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội lưu ý, cần phải có biện pháp giảm thiểu tác động của tải trọng này lên hệ kết cấu chịu lực của công trình. Ví dụ như sử dụng máy để cắt phân mảnh cấu kiện trước khi đục phá cấu kiện bê tông cốt thép, hạn chế sử dụng quá nhiều thiết bị gây rung động trong phạm vi nhỏ tại cùng một thời điểm...
Đồng thời, bố trí mặt bằng thi công phù hợp với từng thời điểm cụ thể, đảm bảo nguyên tắc phá song song đối xứng qua trục lõi thang máy để tránh gây tải trọng lệch trục.
Trong thời gian thi công phá dỡ các hạng mục sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, chủ đầu tư (chủ công trình) cần phải tổ chức theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời những phát sinh bất thường có thể xảy ra đối với công trình; đặc biệt đối với những nguy cơ tiềm ẩn đã được để cập trong phương án phá dỡ.
Sau khi thực hiện xong việc phá dỡ phải giữ nguyên hệ giáo chống đỡ cho đến khi các vị trí xung yếu của kết cấu chịu lực của công trình được gia cố xong (gia cố theo ý kiến của tư vấn thiết kế tòa nhà; gia cố do làm hư hỏng trong quá trình tháo dỡ).
Từ phương án phá dỡ phần xây dựng sai phép tại 8B Lê Trực, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội cho rằng, việc phá dỡ sẽ gây ra các rung động và ảnh hưởng đến khả năng liên kết giữa bê tông và cốt thép cũng như làm thay đổi điều kiện làm việc của một số nút khung. Để khắc phục vấn đề này, chủ đầu tư cần phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế của tòa nhà đưa ra phương án thiết kế gia cố. Tùy theo tình hình cụ thể, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế của tòa nhà sẽ quyết định thực hiện gia cố ngay trong quá trình phá dỡ (sau khi phá dỡ xong cấu kiện) hoặc sau khi phá dỡ xong.
“Việc tính toán an toàn chịu lực của kết cấu công trình trong và sau khi áp dụng phương án phá dỡ của Giai đoạn 1 (tầng 19) dựa trên kết quả kiểm tra, tính toán của Công ty CP Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng-CONINCO là có cơ sở và chấp nhận được. Các vấn đề về kỹ thuật trong phương án phá dỡ ở Giai đoạn 1 về cơ bản đã được giải quyết. Do vậy lý do chậm phá dỡ do vấn đề kỹ thuật là không có cơ sở”- Viện này khẳng định.
Trước đó, như PV phản ánh, UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ những sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).
Về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nhưng chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng). Về diện tích sàn xây dựng thực tế khoảng 36.000 m2 nhưng giấy phép xây dựng chỉ là 29.874 m2 (tăng khoảng 6.126 m2).
Nhiều cán bộ của quận Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội đã bị giáng chức, kiểm điểm rút kinh nghiệm sau sự việc này.
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần May Lê Trực thông báo về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình tại số 8B Lê Trực. Theo đó, Công ty Cổ phần May Lê Trực phải thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành Quyết định cưỡng chế và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí lập, thẩm định phương án phá dỡ, chi phí tổ chức cưỡng chế và chịu mọi thiệt hại phát sinh trong quá trình cưỡng chế phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm.
Theo Thế Kha (Dân Trí)