Ai cũng nói đi thể dục chỉ nhóm nhỏ 1 - 2 người nhưng nhiều nhóm nhỏ sẽ thành một nhóm to!
Từ 6h sáng ngày 21/9, Hà Nội đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từ thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16 sang theo nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Theo Chỉ thị của UBND TP Hà Nội, một số hoạt động như cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, phương tiện, siêu thị, chợ, cửa hàng ăn uống chỉ bán mang về... được phép hoạt động.
Tuy nhiên, các hoạt động thể dục ngoài trời vẫn bị cấm và mới đây nhất, 4 người ở Hoàn Kiếm đã bị phạt 8 triệu đồng khi đi tập thể dục, dắt chó đi dạo tại quanh khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, vườn hoa Lý Thái Tổ.
Việc này, sau đó, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí, có người cho rằng, phạt người đi bộ thể dục nhưng lại cho phép đi gội đầu, cắt tóc, siêu thị là chưa đúng khoa học hay, phạt 4 người tuy nhiên cả ngàn người lại đổ xô ra đường chơi đêm Trung thu...
Trao đổi với PV vào sáng 24/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, hiện nay, thành phố đang thực hiện việc nới lỏng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn, trong đó, có quy định, không tập trung quá đông người ở nơi công cộng và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m...
Đối với, các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời hiện nay, theo Chỉ thị của thành phố vẫn đang tạm dừng, chưa được thực hiện trở lại.
"Việc chính quyền địa phương phạt người dân như vậy, nếu theo Chỉ thị của thành phố cũng đúng nhưng lẽ ra, khi người dân không hiểu thì lần đầu nên tuyên truyền, nhắc nhở còn tái phạm sẽ xử phạt. Tuy vậy, đây là cách làm của mỗi nơi", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, hiện nay, người dân đã được phép ra đường mà không cần giấy đi đường, không bị kiểm soát nhưng chỉ nên ra đường khi thật sự cần thiết chứ không phải ra đường để đi bộ, tập thể dục, đi dạo.
"Ai cũng nói là đi thể dục buổi sáng, chiều chỉ đi 1 nhóm nhỏ từ 1 - 2 người nhưng nhiều nhóm nhỏ sẽ thành một nhóm to và chưa kể, khi đi qua nhau, gặp nhau rồi 'tay bắt, mặt mừng', nói chuyện thì nguy cơ càng cao.
Chưa kể, khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm là khu vực trung tâm của thành phố nên có thể vì vậy mà địa phương đã tiến hành xử lý để ngăn ngay từ đầu", ông Tuấn nhận định.
Đối với việc mở lại các hoạt đông cắt tóc, gội đầu, siêu thị, chợ..., ông Tuấn chỉ rõ, đây là các hoạt động thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu, đời sống hàng ngày của người dân và dù được mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo việc phòng, chống dịch theo đúng quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế.
"Các hoạt động thiết yếu thì cần mở cửa phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân còn ví như thể dục nếu không ra ngoài có thể tập trong nhà hoặc nhà có điều kiện thì lên sân thượng hít thở khí trời... chứ đâu cần thiết đi ra ngoài.
Quan trọng nhất là cần tuyên truyền để cho người dân hiểu chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 15, 15+ nên chỉ ra đường chỉ khi cần thiết và không tụ tập đông người bởi sẽ tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch", ông Tuấn nói thêm.
Những người đi chơi đêm Trung thu cần làm gì?
Liên quan đến việc người dân đổ xô đi chơi đêm Trung thu quanh khu vực bờ Hồ, lãnh đạo CDC Hà Nội nêu rõ, việc cho thấy ý thức vô cùng chủ quan, coi thường dịch bệnh của nhiều người.
"Chỉ cần trong biển người đi chơi Trung thu đó có 1 ca dương tính thì nguy cơ lây lan rất lớn, có thể khiến thành quả chống dịch của cả thành phố thời gian qua đổ sông đổ bể", ông Tuấn nêu ý kiến.
Theo ông Tuấn, vấn đề người dân đổ xô đi chơi đêm trung thu còn cho thấy, không chỉ người dân chủ quan mà chính quyền, hệ thống phòng dịch ở cơ sở cũng có dấu hiệu chủ quan.
"Ngay từ khi quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ 6h sáng 21/9, tức đúng ngày Trung thu, chúng tôi đã cảnh báo về việc người dân có thể đổ xô ra đường chơi Trung thu nên cần phải kiểm soát chặt, từ các phường xã phải tuyên truyền, từ các ngõ, phố phải kiểm soát người ra ngoài…
Việc để tụ tập đông người như vậy thực sự rất đáng lo ngại", ông Tuấn chỉ rõ và khuyến cáo những người đi chơi đêm Trung thu cần tự theo dõi sức khỏe, thực hiện nghiêm 5K, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, khó thở... cần báo ngay cho cơ sở y tế để được hỗ trợ cũng như hạn chế đi lại.
Lãnh đạo CDC Hà Nội đánh giá, hiện tại, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch trên thế giới cũng như trong nước, một số tỉnh xung quanh còn phức tạp nên Hà Nội vẫn là địa phương nguy cơ lây lan dịch.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)