Cách đó 2 ngày, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, ngụ quận 1) đang đi thể dục trong công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1) bị nhánh cây gãy, rơi xuống đè trúng người. Bà Mai đã tử vong sau 3 ngày cấp cứu vì chấn thương quá nặng.
Cây xanh liên tiếp đổ đè chết người khiến người dân vô cùng bất an. |
Và mới đây nhất là chiều 30/8, anh Huỳnh Minh Cường (34 tuổi, ngụ quận 10) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Sư Vạn Hạnh (thuộc địa bàn phường 9, quận 5) cũng bị cây xà cừ cổ thụ bậc gốc, đổ đè trúng người, đang cấp cứu tại bệnh viện.
Ông Lê Công Phương – Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP (đơn vị quản lý cây xanh đô thị) - cho biết sau khi xảy ra các vụ cây đổ đè trúng người, đơn vị đã xuống hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu, lo toàn bộ chi phí nằm viện và lo hậu sự khi nạn nhân tử vong.
“Như trường hợp của anh Khải, Công ty đã cử cán bộ cùng đi với gia đình đưa thi thể nạn nhân về Kon Tum mai táng. Hiện tại, công ty cũng đang thỏa thuận với gia đình về mức hỗ trợ. Đối với các cây ngã đổ thời gian qua, công ty đang làm báo cáo tổng hợp gửi Sở GTVT TP”, ông Phương nói.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm – Phó Giám đốc Sở GTVT TP - cho biết, các trường hợp cây bật gốc trong những ngày qua đều rơi vào thời điểm có mưa to, gió lốc. Hiện các đơn vị chức năng đang xem xét nguyên nhân, nhưng theo nhận định ban đầu thì cây gãy đổ là do thời tiết.
Ngoài thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản do cây đổtrong mùa mưa cũng không hề nhỏ |
Ông Lâm cũng cho biết, việc kiểm tra duy tu cây xanh được triển khai thường xuyên. Trước mùa mưa, đơn vị cây xanh đã đi kiểm tra, tỉa cành, lấy nhánh, xử lý các cây có tình trạng xuống sức. Ngoài ra, cũng phân loại các cây cổ thụ cao to để khảo sát chi tiết hơn về kích thước, chiều cao, hạ tầng xung quanh… Đồng thời, dự báo nguy cơ khi gió lốc, mùa mưa kéo dài để có phương án xử lý và cảnh báo nhằm tránh trường hợp cây ngã đổ uy hiếp tính mạng, tài sản người dân.
Cũng theo ông Lâm, hiện nay công tác kiểm tra, duy tu cây xanh chủ yếu bằng mắt thường chứ chưa có phương tiện, máy móc để kiểm tra bộ rễ cây có bị hư hỏng hay không. Nhân viên chỉ kiểm tra bên ngoài cây như tình trạng sinh trưởng, phát triển, độ nghiêng ngã của cây và những cành tán lá có thể gãy đổ để có phương án xử lý.
“Đối với bộ rễ thì chưa có phương pháp hữu hiệu để kiểm tra. Nếu cây nào có dấu hiệu xuống sức, sinh trưởng không bình thường thì mới đào khảo sát cụ thể chứ chưa có biện pháp nào kiểm tra rễ ngầm”, ông Lâm phân tích.
Không thể cứ để tình trạng cây xanh đè chết người và đổ lỗi cho thời tiết mãi được |
Hiện nay, Sở GTVT TP đã kiểm tra đánh giá được 300 cây bằng phương pháp toàn diện, chi tiết, nội soi để xác định độ an toàn của cây. Nếu quá trình kiểm tra phát hiện những cây xanh có mức độ nguy hại sẽ xin chủ trương của TP để có hướng xử lý an toàn ngay.
Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ các trường hợp bị tai nạn do cây xanh gây ra, ông Lâm cho biết Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP sẽ thỏa thuận hỗ trợ bằng tiền của đơn vị. Tuy nhiên để chia sẻ rủi ro với người đi đường, UBND TP thống nhất chủ trương lập quỹ hỗ trợ với kinh phí 1 tỉ đồng/năm theo kiến nghị của Sở GTVT TP.
“Tuy nhiên, chủ trương này chưa được hiện thực hóa vì các cơ quan chức năng đang tính toán chính sách hỗ trợ, phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ, tai nạn như thế nào thì được hỗ trợ… nên chưa thể triển khai.
Sau liên tiếp nhiều vụ cây xanh đè chết người, chiều 31/8, các nhân viên cây xanh mới rốt ráo kiểm tra, đốn hạ cây xanh bị mục rễ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) |
Song song với đó, Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị bảo hiểm để tham mưu UBND TP chính sách bảo hiểm đối với trường hợp rủi ro cây xanh ngã đổ bất khả kháng do yếu tố bên ngoài gây tai nạn cho người dân”, ông Lâm nói.
Luật Sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quyết định số 3195/QĐ-UBNDTP ngày 21/07/2010 của UBND TPHCM thì cây xanh đô thị trên địa bàn TP thuộc quyền quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng, bảo quản của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP. Căn cứ theo Điều 626 Bộ luật Dân sự về Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.”. Như vậy, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP phải có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Vào thời điểm cây đổ, ngã thì thời tiết TPHCM là mùa mưa. Vì vậy, nếu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh biết trước điều kiện thời tiết ở TP mà không cử nhân viên đi cắt tỉa kịp thời các cây xanh có nguy cơ cao dẫn đến gãy đổ gây thiệt hại thì không thể coi là bất khả kháng. Về mức bồi thường cụ thể là theo quy định tại Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. |
Theo Quốc Anh – Đình Thảo (Dân Trí)