Người con trai vừa xoa bóp chân tay, vừa hỏi bố bằng giọng nói hơi khó nghe: "Bố ơi, bố có cãi vợ bố không?”, "Vợ bố có bắt nạt bố không?", "Bố ơi, bố về với con nhé?", "Bố ơi, bố đói à?", "Bố ơi, bố nhớ con không?", "Bố nói đi, đọc đi, một, hai, ba, a, ă, â...". Những câu hỏi lặp lại mỗi ngày của cậu con trai út Nguyễn Ngọc Bảo Sơn (18 tuổi) không may mắc hội chứng Down, khiến anh Nguyễn Ngọc Oanh nằm trên giường bệnh cười mãi không thôi.
"Thầy giáo" đặc biệt ở phòng bệnh phục hồi chức năng
Bảo Sơn, 18 tuổi, quê Hải Dương, hiện sống ở Hà Nội cùng gia đình. Sơn là con út của vợ chồng chị Đỗ Dung, anh Ngọc Oanh. Sau cơn đột quỵ cách đây tròn 1 tháng, chức năng ngôn ngữ, vận động của anh Oanh bị hạn chế.
"Từ thứ 2 đến thứ 6, việc tập luyện của chồng tôi có sự hỗ trợ của thầy thuốc và gia đình. Thứ 7 và chủ nhật, gia đình chủ động tập vận động cho anh", chị Dung cho hay. Mỗi lần mẹ vào viện chăm sóc bố, Sơn được theo chân mẹ. Ban đầu, cậu chỉ quan sát mẹ và các thầy thuốc thực hiện động tác hỗ trợ. Dần dần, cậu tự mình nắn tay, bóp chân, massage nhẹ nhàng vùng thái dương cho bố.
"Chỉ cần mẹ đưa đi một lần qua các phòng, từ phòng tập chân, tập tay đến ngôn ngữ, với chỉ dẫn chi tiết, cụ thể, lần sau con tự đẩy xe lăn đưa bố đến các phòng tập luyện", chị nói.
Người tập phục hồi ngôn ngữ, trí nhớ sau đột quỵ như trở lại thời ấu thơ, tập đếm, tập nói từng lời, tập ghi nhớ, đòi hỏi người hỗ trợ và bản thân người bệnh phải kiên trì. Vì thế, sự xuất hiện của Sơn với nét hài hước, đáng yêu và giọng ngọng nghịu "dạy" các bác, các ông đọc số từ một đến mười, học chữ khiến ai nấy trong phòng bệnh số 14 Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, cũng vui lây, gọi em là "thầy giáo Sơn".
"Con được các bác, các ông yêu quý lắm. Hôm nào trước khi ra về cũng mất 5-10 phút để chào đến vài lượt vẫn chưa về được, ai cũng nhắc mẹ cho 'thầy giáo Sơn' vào tiếp để 'dạy' mọi người tập phục hồi", chị Dung chia sẻ.
Nhiều người biết chuyện về chàng trai mắc hội chứng Down yêu thương và chăm sóc bố trong bệnh phòng vừa xúc động xen lẫn tò mò. "Người bình thường còn chưa chắc quan tâm đến bố mẹ mình được như thế, chưa chắc nói được câu tình cảm”; hay “đừng chê em ý khiếm khuyết, em có trái tim đầy ắp tình yêu thương dành cho bố mình” - đó là những lời chia sẻ của mọi người dành cho Sơn khi xem clip ghi lại khoảnh khắc chàng trai này chăm sóc bố.
Mắc hội chứng Down khiến việc phát âm, giao tiếp đối với Sơn rất khó khăn. Vì vậy, niềm vui và cảm xúc cậu mang lại cho mọi người càng đáng quý hơn. Ngày 13/5, sau hơn 3 tuần điều trị phục hồi chức năng hậu đột quỵ, anh Ngọc Oanh được ra viện. Chiều cuối cùng ở viện, ai nấy cũng quyến luyến "thầy giáo Sơn". Một cụ ông 89 tuổi vừa tiễn bố con anh Oanh ra viện, vừa ngậm ngùi "lấy ai dạy đọc, dạy đếm".
Em bé bị bệnh lớn lên trong tình yêu thương sẽ đáp lại bằng tình thương yêu
Để Sơn có được sự tiến bộ như ngày hôm nay, chị Dung cho biết đó là hành trình dài cả nhà cùng đồng hành với nhiều sự cố gắng và tình yêu thương. “Sơn được phát hiện mắc hội chứng Down lúc 3 tháng tuổi. Khi đó, vợ chồng tôi hoang mang, sốc lắm. Trong làng cũng có một người đàn ông mắc hội chứng này. 30 tuổi chỉ ngờ nghệch, đi lang thang ngoài đường, chỉ sợ rồi con mình cũng vậy”, chị Dung nói với VietNamNet.
Nhưng bằng tình yêu và sự nhẫn nại của người làm cha mẹ, sự hỗ trợ đồng hành tuyệt đối từ gia đình, Sơn càng lớn càng tình cảm, quan tâm đến mọi người, biết khóc, biết cười, biết hối hận khi làm mẹ giận, bố buồn... Dù ngôn ngữ khó khăn, nhưng chàng trai rèn được sự tập trung, tỉ mẩn làm từng việc, điều thường rất khó với một đứa trẻ mắc các bệnh lý này.
Chị Dung quan niệm: "Các con như cây mầm nhỏ. Cây có khiếm khuyết khi được chăm bẵm bằng tình yêu dù phát triển hơi chậm nhưng rồi sẽ có kết quả tốt". Vì thế, chị và mọi người trong gia đình dạy Sơn những việc nhỏ nhất để cậu được rèn luyện sự tập trung, tự giác, tự lập, đặc biệt trong ứng xử, làm việc hằng ngày.
"Tôi làm gì thì dạy con như thế, đối xử với con như một đứa trẻ bình thường, có kỷ luật, không nuông chiều nhưng không đòn roi, mắng mỏ khi con mắc lỗi", chị Dung nói dạy con kỹ năng sống tự lập trước khi dạy con biết đọc, biết viết. Bố mẹ, anh chị cũng không làm thay con mọi việc mà hướng dẫn con tập làm, từ việc tự thay quần áo, vệ sinh cá nhân cho đến rửa bát, nấu cơm, phơi quần áo...
Một lần, khi Sơn mới 7 tuổi, mẹ bận làm việc chưa kịp cắm cơm trưa, Sơn tự động đong gạo, cho vào nồi. Chị Dung bất ngờ khi phát hiện ra, âm thầm quan sát. "Lần đầu con căn mực nước bằng cách dùng đốt ngón tay, những lần sau con không phải làm vậy nữa, cơm rất ngon", người mẹ hạnh phúc kể lại.
Chị cũng nhận ra Sơn rất chăm chú quan sát mỗi việc làm của những người xung quanh. "Những em bé mắc bệnh Down rất hay quan sát, để ý việc người khác làm và tôi tin con hay các bé khác cũng làm được nếu bố mẹ giành thời gian cho các con, trừ những bé quá yếu phải nằm một chỗ", chị Dung nói. Vì thế, muốn con luộc được rau, chị đưa con ra chợ mua rau, về dạy con nhặt từng cọng, rửa, rồi đặt nồi lên bếp, bật lửa...
"Phải rất kiên trì và nhẹ nhàng. Ban đầu con tiếp thu rất chậm nhưng cũng quen dần. Suốt 18 năm qua, con làm vỡ duy nhất một cái bát. Giờ thấy hàng về, con tự biết giúp mẹ bê vác, đóng thùng, bọc hàng. Nghe bạn bè mẹ đến nhà chơi, con cũng xuống đón mọi người lên nhà. Con lớn lên trong tình yêu thương nên cũng đáp lại mọi người bằng tình cảm", người mẹ này tự hào chia sẻ.
Một năm nay, được sự động viên của mọi người, chị Dung chăm chỉ ghi lại hành trình trưởng thành của con trai, chia sẻ lên mạng xã hội, nhận về hàng triệu lượt tương tác. Không chỉ lan tỏa nhiều năng lượng tích cực, những clip ngắn còn góp phần thay đổi quan điểm về người mắc hội chứng Down. Nhiều người có con đồng cảnh ngộ đã để lại lời cảm ơn dưới phần bình luận, bày tỏ nhờ những clip này giúp họ có động lực dẫn con đi ra ngoài nhiều hơn.
Từng đến trường nhưng rồi vì nhiều lý do, Sơn phải nghỉ học. Cậu thích viết chữ cái, rèn chữ mỗi ngày, trò chuyện với mọi người. Chia sẻ với bố khi chăm bố bên giường bệnh, chàng trai mong sẽ kiếm nhiều tiền nuôi bố mẹ. Còn vợ chồng chị Dung, họ không dám nghĩ điều xa xôi, chỉ cần con có thể hòa nhập với cộng đồng, biết quan tâm mọi người, tiến bộ mỗi ngày đã là niềm hạnh phúc của cả gia đình.
Hội chứng Down do đột biến số lượng nhiễm sắc thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, tinh thần, trí tuệ và thể chất của trẻ. Theo ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 1.400-1.800 trẻ mắc hội chứng này.
Hội chứng Down là do bất thường ngẫu nhiên khi hình thành phôi thai nên không thể phòng bệnh. Thầy thuốc khuyên các mẹ bầu ở mọi lứa tuổi cần khám, quản lý thai nghén và sàng lọc trước sinh đầy đủ. Thai phụ nên đi khám sàng lọc khi tuổi thai được từ 11-14 tuần, tốt nhất là trong khoảng từ 12-13 tuần, thực hiện siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào thời điểm từ 11-13 tuần 6 ngày và một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác.
Theo Võ Thu (VietNamNet)