Người mẹ già một mình bên đứa con trai khờ dại
Tìm đến khu ổ chuột ngay dưới chân cầu Long Biên, hỏi nhà bà Ba ai ai cũng biết, bởi người phụ nữ này đã bám trụ tại đây hàng chục năm trời. Hình ảnh một người mẹ già đi lang thang nhặt nhạnh từng món đồ đồng nát, những bìa giấy... để về nuôi người con trai khờ dại.
Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của bà Trần Thị Ba (73 tuổi, quê gốc ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) chưa một ngày nhàn hạ khi phải chạy vạy từng ngày để lo cơm nước cho đứa con trai.
Khi chúng tôi đến, anh Bình, con trai của bà Ba chạy ra bên ngoài ngó nghiêng, chẳng nói năng câu gì rồi lại chui vào bên trong căn nhà chưa đầy 3m2.
Cách đó mấy bước chân, ở cái lều nhỏ phủ bạt xanh từ trong căn nhà lụp xụp, chứa đầy quần áo cũ không khác gì “ổ chuột”, bà Ba bước ra chào khách với khuôn mặt hốc hác, xanh xao.
Căn nhà của hai mẹ con bà được dựng bằng những tấm tôn bỏ đi nằm ngay sát bờ sông Hồng. Xung quanh căn nhà chưa đầy 3m2 ấy được bao bọc toàn những túi rác, áo mưa ai đó vứt bỏ, hơn 10 năm qua hai mẹ con bà vẫn bám lấy nhau.
Ngồi tạm trên tảng đá dưới gốc cây gần nhà, vừa đưa tay nhặt những tấm bìa giấy cũ mang đi chỗ khác bà Ba nhìn đứa con trai đang đứng ngẩn ngơ phía trên nhà nói khẽ: "Bình vô nhà đi con".
Đợi đứa con trai đóng cửa vào nhà, bà lặng lẽ ngồi dưới viên gạch kê làm chỗ ngồi rồi tâm sự: "Vợ chồng tôi được hai đứa con, 1 trai, 1 gái, nó (anh Bình) là con cả, còn đứa em thằng Bình thì lên 5 tuổi tôi phải mang đi cho người khác nuôi.
Ngày đó chồng tôi bị u não rồi mất lúc hai đứa còn nhỏ, ông ấy mất tôi cũng bệnh tật suốt, mang con cho người ta nuôi vì nghĩ ngày đấy bệnh tật không qua khỏi", nói rồi bà Ba miệng cười nhưng mắt rơm rớm.
Bà tâm sự, việc làm đó cho đến bây giờ vẫn khiến bà day dứt. Bao năm qua không biết con ở đâu, cuộc sống hiện tại như thế nào. Bên cạnh bà từ đó đến giờ có người con trai cả là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1985) ở cái tuổi này lẽ ra anh đã lập gia đình và chăm lo được cho mẹ nhưng điều đó lại xảy ra ngược lại.
Di chứng từ người bố bị u não khiến anh Bình phần nào đó cũng bị ảnh hưởng, anh không cũng được khôn ngoan như những người khác. Càng lớn anh càng trở nên ngờ nghệch. Thậm chí khi đến tuổi đi học Bình thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi có thời gian bà Ba phải khổ sở đi khắp nơi tìm kiếm.
“Cuộc sống bấy giờ ở quê khó khăn quá, tôi đành mang con trai tìm lên Hà Nội kiếm công việc để lo miếng cơm sống qua ngày. Lúc đi từ Nam Định hai mẹ con không có lấy một đồng trong người, ngày đó không biết kiếm đâu nổi một đồng. Tôi đã cố vẫy xe đi đường cho nhờ ra Hà Nội. Lang bạt một thời gian mẹ con tôi dạt về góc chợ Long Biên này rồi làm công việc nhặt phế liệu, ve chai đến bây giờ”, bà Ba nhớ lại.
Ở lều dột nát, nhường nhà cho đứa con khờ dại
Để có tiền nuôi con, hằng ngày bà Ba thường bắt đầu công việc đi nhặt rác từ 4h sáng khi chợ Long Biên gần tan ca. Lúc này bà bới từng đống rác nhặt ve chai, giấy bìa… gom lại rồi đưa về khu nhà trọ, công việc đó kết thúc vào lúc gần trưa.
Hơn 10 năm qua, dù mưa nắng, gió rét hình ảnh bà lão tóc bạc, gầy gò ấy vẫn lang thang khắp các con phố để làm công việc của mình trừ lúc ốm đau, bệnh tật.
"Có hôm thì hai mẹ con cùng đi, hôm thì mẹ đi một mình, mưa gió rét mướt tôi cũng cứ đều đều đi làm chứ nó (con trai bà) không đi làm đều được như mẹ, đầu óc nó không được minh mẫn nên lúc nào thích thì nó mới đi", bà Ba Tâm sự.
Biết được hoàn cảnh của hai mẹ con nên thay vì ở sát dưới rìa sông như trước đây bà Ba được một người chủ cho thuê trọ dựng tạm cho túp lều ở sát vách dãy nhà trọ của những người lao động nghèo và không lấy tiền nhà trọ.
Cuộc sống của hai mẹ con được duy trì bằng số tiền 600 nghìn đồng/tháng tiền công đi nhặt phế liệu.
“Thương hai mẹ con nên từ ông chủ trọ đến bà con hàng xóm thi thoảng cũng cho cái này cái kia, có hôm đi nhặt bìa giấy có người thấy thương người ta cũng cho thêm tiền.
Số tiền đó cũng đủ để bà thi thoảng dẫn con đi mua cho nó bộ quần áo và mua thức ăn hai mẹ con sinh sống như thế thôi nhưng mà vui”, bà Ba cười nói.
Thương con, bà Ba dành chỗ ở rộng 3m2 để anh Bình sinh sống, sinh hoạt còn bà ở một góc lụp sụp chỉ vỏn vẹn đủ một mình bà nằm. Hỏi bà lý do nhường chỗ ở sạch sẽ cho con bà bảo không muốn con ở chỗ bẩn, khổ cực.
"Nó là con trai nên tôi nhường cho con ở chỗ rộng rãi, sạch sẽ hơn để mọi người đỡ cười nó, tôi già rồi ở đâu chẳng được. Không nhiều nhưng cũng cho con có chỗ nằm đàng hoàng cho bằng chúng bằng bạn.
Nó tuy hơn 30 tuổi mà có biết gì đâu, mẹ mua đồ gì thì biết cái đấy chứ cũng không biết đường đòi hỏi, mẹ nấu gì cũng được nó cứ suốt ngày quanh quẩn ở nhà không biết gì. Mong lắm có người chấp nhận nó rồi về ở với nó chứ tôi cái tuổi này cũng chẳng thể ở mãi với nó được.
Ở đây sợ nhất lúc mưa gió, rét mướt, nhiều hôm mưa to ở trong nhà mà cứ ngỡ như ngoài trời. Lúc này lại vội lấy áo mưa thu nhặt được khâu lại che chắn cho khỏi ướt. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nó cũng thành quen. Được cái ông trời thương cho sức khỏe nếu không sẽ không biết xoay xở thế nào”, bà Ba chia sẻ.
Bà Ba cũng xúc động cho biết vào ngày 20/10 vừa qua cùng nhiều phụ nữ khác ở xóm trọ chân cầu Long Biên được nhóm thiện nguyện tổ chức nhân ngày phụ nữ Việt Nam bà rất vui.
“Hôm đó tôi rất vui vì các được các cháu tổ chức 20/10 ý nghĩa như vậy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi khoác trên mình bộ váy dài, được trang điểm phấn son. Cuộc đời tôi khổ nhiều rồi nhưng không tâm sự trải lòng với ai. Gần hết cuộc đời lần đầu tiên tôi có được niềm vui như vậy”, bà Ba cười.
Hỏi về những nguyện vọng của đời mình, bà trăn trở: "Cuộc sống đã an bài thế rồi không tránh được. Giờ cứ nghĩ sống vì mình vì con mình nên còn sức khỏe ngày nào tôi còn cố đi làm để mẹ con bớt khổ, chỉ mong sao khỏe mạnh để đi làm có tiền lo được cho con là mừng rồi.
Tôi cũng mong một ngày nào đó được gặp lại con gái mình nhưng giờ không biết con ở đâu, không biết con còn nhớ người mẹ già này không và có trách mình vì cuộc sống quá khốn khó phải cho con để người khác nuôi dưỡng”.
Theo Gia Đoàn (Helino)