"Về đi em, Trí ơi! Lan của anh em mình nở đẹp lắm, em không thể... Anh không tin như vậy đâu...".
Liệt sĩ, phi công Khuất Mạnh Trí hy sinh cùng đồng đội khi máy bay Su-22 gặp nạn vào ngày 26/7/2018. Khi ấy, hai chiếc quan tài nằm cạnh nhau, được bọc trong lá cờ Tổ Quốc tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An). Từ quê nhà Thái Bình của phi công Nam tới nhà anh Trí ở Sơn Tây, là nước mắt, là đau thương và cả những tiếng kêu xé lòng.
Anh Trí ra đi ở tuổi 40, việc nhà việc gia đình giờ chỉ biết nhờ cậy vào các chú ruột. Một trong số đó có ông Khuất Duy Vỹ - người chú thân thiết nhất với anh, người anh coi như cha mình. Từ ngày bố anh mất, chú Vỹ xem anh như con trai mình. Anh Trí luôn nói với mẹ sau này khi chú về già sẽ chăm lo cho chú..., nhưng nay chú Vỹ lại là người lo trước cho anh.
Sau hơn 2 tháng anh mất, mọi thứ vẫn còn xáo trộn
Trước khi trở thành phi công, anh Trí thi đỗ ĐH Tổng hợp Hà Nội. Anh nhận được giấy báo đỗ ĐH khi đã lên đường nhập ngũ. Anh Trí học rất giỏi, sống tình cảm. Nhà anh có hai cháu, con gái lớn năm nay đã lên 9. Mẹ anh là bà Trần Thị Lan, bố đẻ anh qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2003. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một mình anh Trí lo toan, anh là trụ cột của gia đình kể từ thời điểm đó.
10 ngày sau khi kết thúc kì nghỉ, anh Trí hi sinh khi thực hiện bay huấn luyện. Sâu đáy lòng mình, anh rất suy nghĩ vì nhiệm vụ, công việc trọng trách được giao của người chiến sĩ quân đội... mà ít có thời gian với các con, với gia đình, người thân.
Chị Thục (vợ anh Trí) chịu tang chồng trong nỗi đau đớn mà không ngôn từ nào có thể diễn tả. Giây phút được gặp anh lần cuối, chị bật khóc nức nở. Bà Lan đứng cách đó không xa, ôm chặt quan tài con trai. 2 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời anh Trí giờ đây sẽ phải sống cuộc sống không có anh ở bên cùng chia sẻ động viên.
Họ cùng hứa trước linh cữu anh sẽ nuôi dạy cháu con thành tài, ngoan ngoãn, sẽ làm đúng những gì mà lúc sinh thời anh vẫn thường căn dặn.
Sau hơn 2 tháng anh mất, chị Thục dường như không muốn nhớ lại khoảng thời gian đau buồn ấy. Ban đầu, chị từ chối mọi câu hỏi liên quan đến chồng mình. Chị khóc nhiều. Sau bình tĩnh, chị mở lời, "anh nhà mình rất tình cảm, thương vợ, thương con, là người đàn ông của gia đình".
"Nhận tin máy bay của anh gặp sự cố, chị rất sốc. Chị gọi điện vào máy của anh trước tiên, nhưng thuê bao không liên lạc được. Và suốt nhiều lần sau, đều như thế. Một số đồng chí, là bạn, là chiến hữu của anh có gọi, dặn dò chị. "Em cứ bình tĩnh, chắc không có vấn đề gì". Nhưng chị biết, trong khoảng thời gian mất tín hiệu đến lúc hơn 1h chiều hôm đó, chắc chắn có chuyện chẳng lành rồi".
Người thân khi ấy một lòng khuyên nhủ chị Thục phải hết sức bình tĩnh. Chị không thể vào ngay Thanh Hoá để tìm chồng, dù hành lý gần như đã thu xếp xong. Chị cũng không dám về nhà nói chuyện với mẹ. Mãi đến 2h chiều 26/7/2018, mọi thông tin về sự cố của Su-22 tràn lan trên các mặt báo, danh tính 2 phi công tử nạn cũng được làm rõ, chị Thục biết, mình mất chồng thật rồi.
"Cháu lớn 9 tuổi phần nào cảm nhận được sự chia xa ấy, nhưng với cháu thứ 2 còn quá nhỏ. Phải đến một thời gian sau, cháu nhận ra bố vắng nhà lâu hơn mọi lần. Cháu nhớ bố. Hiện tại gia đình vẫn còn xáo trộn rất nhiều. Với mẹ con chị, anh mãi mãi ra đi, là một mất mát quá lớn. Lần nào anh cũng nói chuyện với chị trước khi cất cánh, nhưng chuyến bay Su-22 mang anh đi xa quá...".
Vườn lan của anh Trí
Ngoài việc làm bạn với bầu trời, anh Trí còn có sở thích chăm sóc hoa lan. Anh có cả một vườn lan trồng trong sân nhà. Lúc sinh thời, theo lời người đồng đội, anh sống với anh em mộc mạc như chính loài hoa anh yêu thích, tinh khiết và chân thành.
Anh Trí yêu lan đến nỗi, đi đâu thấy giò lan đẹp anh đều muốn tìm hiểu và mua về treo trong nhà hoặc đơn vị. Có hôm nghỉ phép, anh cùng đồng đội chạy xe lên tận Hòa Bình, chỉ để mang một cành lan nhỏ về treo góc vườn.
"Anh nhà chị chăm lan từ lúc 2 vợ chồng lấy nhau về. Khi chưa sinh cháu, anh chăm lan để kịp lúc ra hoa cho chị ngắm đỡ buồn. Cứ 2, 3 tuần được nghỉ phép, anh lại tìm mua một giò lan. Đến thời điểm này, từ vườn trong nhà tới đơn vị, đâu đâu cũng có bóng dáng anh ấy".
Nếu ví anh Trí yêu hoa lan số 2 thì con cái với anh là số một. Phải khi nào chăm con xong xuôi, anh mới quay sang chăm lan. Vì đặc thù công việc thường xuyên vắng nhà, anh Trí lắp sẵn giàn phun nước tưới tắm cho hoa. Hễ đến giờ, chị Thục hoặc mẹ Lan chỉ cần bật công tắc nước thôi, đơn giản hơn rất nhiều.
Sau khi anh Trí hy sinh, gia đình không có điều kiện chăm sóc giàn lan của anh. Người thân ngỏ ý nhờ Trung đoàn Không quân 921 chăm sóc giúp để làm kỉ niệm. Tuy nhiên, sắp tới đơn vị sẽ chuyển về tỉnh Yên Bái, mọi người tính đấu giá hơn 50 giò lan với mong muốn hình ảnh phi công Khuất Mạnh Trí luôn còn mãi. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển làm quỹ cho 2 cháu là con của anh Trí. Quỹ này sẽ giúp phần nào chi trả học phí của 2 cháu sau này.
"Tôi rất xúc động, cảm ơn tất cả mọi người. Cảm ơn đồng đội, anh, chị, em Sóc Sơn với tình cảm dành cho gia đình tôi. Con trai tôi là một người lính yêu hoa, đặc biệt là phong lan. Sự hy sinh của Trí là mất mát lớn của gia đình, của Tổ quốc. Vì không có điều kiện để chăm sóc, nên gia đình mong muốn những ai đấu giá được giò lan, hãy chăm sóc nó thật tốt để nó luôn nở như khi Trí còn chăm sóc", mẹ anh Trí nghẹn ngào trước giờ tổ chức buổi đấu giá sáng 14/10.
- "Liệu khi đấu giá những giò lan của anh, chị có cảm thấy tiếc?".
- "Thực ra những giò lan mà anh thích, chị thích, chị vẫn cất ở nhà. Đấu giá chỉ là một phần trong số đó thôi. Hiện tại các cháu còn nhỏ, chị không đủ thời gian chăm sóc hết cả vườn. Chị mong mọi người sẽ nhớ đến anh, thay gia đình chăm sóc từng giò hoa lan. Cũng là kỷ niệm để lại cho các con.
Cuộc sống hiện tại với chị và 2 cháu, thiếu thốn tình cảm lắm. Chị không thể gánh vác cả phần mẹ lẫn phần cha. Có lúc không được bình tĩnh. Có lúc buồn tủi cũng không dám khóc trước mặt các con. Vì các con còn nhỏ quá, chưa hiểu được".
Người lính gửi người ở lại, cả một vườn lan thấm đẫm tình yêu và sự trân quý.
Người ở lại gửi người lính, cả một bầu trời niềm thương nỗi nhớ.
Khoảng 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) thực hiện bay huấn luyện bất ngờ mất liên lạc lúc 11h35.
Hiện trường máy bay rơi tan tành, nhiều mảnh vỡ văng trên đỉnh núi, 2 phi công cũng bị biến dạng. Đến khoảng 14h30, lực lượng chức năng xác định vị trí gặp nạn tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An và tích cực tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân.
19h39 cùng ngày, đoàn xe cứu thương đưa thi thể 2 phi công rời khỏi hiện trường, kết thúc quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)