Tại nhà riêng của mình trên phố Khương Trung, ông Ngoạn kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đầy vất vả của hai vợ chồng. Và cũng trong quãng thời gian ấy, câu chuyện chờ chồng của bà Thất đã được viết lên bằng tình yêu và nước mắt.
Hai vợ chồng ông Ngoạn hạnh phúc bên nhau. |
Sau thời gian tìm hiểu, ông Ngoạn và bà Thất nên duyên vợ chồng. Năm 1955, đám cưới thân mật được tổ chức trước sự chứng kiến, chung vui của hai bên gia đình, họ hàng. Mãi sau này, khi được hỏi bà Thất mới bảo rằng, bà cũng thương thầm nhớ trộm ông từ rất lâu mà phận gái nên không dám thổ lộ tình cảm.
Kết hôn không lâu, ông Ngoạn phải rời quê nhà đi nhận công tác mới. Nghĩ cảnh xa vợ con, ông Ngoạn quyết định đón cả gia đình về Hà Nội để dễ bề chăm sóc. Được ở bên chồng, bà Thất cũng có nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc ông. Dù cuộc sống những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng ông bà vẫn luôn cùng nhau nỗ lực vượt qua.
Năm 1967, ông Ngoạn phải vào chiến trường Quảng Trị tăng cường cho tiền tuyến. Trong thâm tâm, bà không muốn chồng đi bởi những năm tháng chiến tranh khói lửa ấy, có biết bao người ra đi không bao giờ trở về. Thế nhưng bà Thất cũng đành nuốt nước mắt vào trong để cho chồng yên tâm cất bước, hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Chiến tranh thì chẳng ai biết trước được điều gì, họ chỉ hy vọng nơi chiến trường ác liệt ấy, những người thân của mình được bình an, mạnh khỏe và trở về với gia đình khi hòa bình lập lại. Bà Thất cũng vậy, hàng ngày bà vẫn miệt mài lao động, nuôi các con ăn học thành người, mong chờ ngày chồng trở về, gia đình được đoàn tụ.
Vào những ngày địch đánh phá ác liệt chiến trường miền Nam, bà Thất nghe tin đơn vị của chồng bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều, lòng bà không khỏi lo lắng. Chỉ chờ mong một chút hy vọng từ chiến trường miền Nam, nơi chồng mình đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thời gian cứ thế trôi đi, ông Ngoạn vẫn "bặt vô âm tín". Cho đến năm 1968 bà Thất nhận được giấy báo tử của chồng từ đơn vị gửi về.
Nhắc đến đây, cổ họng bà nghẹn lại: "Lúc đó, tôi đang làm cỏ ngoài ruộng thì có người gửi cho tôi tờ giấy báo tử nói ông Đỗ Trọng Ngoạn đã hy sinh trong một trận truy quét của địch. Lúc nghe tin ấy, tai tôi ù đi rồi ngất lịm, không biết gì nữa". Sự việc đã xảy ra hàng chục năm trời, nhưng khi nhắc lại, người kể và người nghe đều có cảm giác như nó mới chỉ xảy ra ngày hôm qua vậy. Từng mảng kí ức, từng dòng hồi tưởng cứ ùa về làm cho câu chuyện cứ hiện rõ mồn một từng chi tiết. Biết tin chồng hi sinh, có lẽ không chỉ riêng bà mà bất cứ người mẹ người vợ nào cũng đều đau lòng đến tuyệt vọng.
Tưởng như lúc đó, bà Thất không thể đứng lên từ nỗi đau nhưng nghĩ cảnh đàn con nheo nhóc, bà lại cố gắng gượng để sống. "Những đứa con đã mất cha, tôi không muốn chúng chịu thêm một nỗi đau nữa. Nếu như vậy, tôi là một người mẹ tàn nhẫn quá", bà Thất đau xót. Nuốt nước mắt vào trong, bà lại quay về với công việc như thường ngày nhưng vẫn mong có sự nhầm lẫn, ông Ngoạn sẽ trở về trong một ngày nào đó.
Ông Đỗ Trọng Ngoạn. |
Không lâu sau đó, bà Thất liên tiếp 2 lần nữa nhận được tin chồng bà hy sinh trên chiến trường, giấy báo tử gửi về tận nhà đề tên liệt sĩ Đỗ Trọng Ngoạn. Thấy chuyện lạ nên bà càng tin rằng chồng mình vẫn còn sống đang chiến đấu ở chiến trường chờ ngày trở về với bà. Những người hàng xóm của bà cũng khuyên nên bình tâm lại làm ăn biết đâu đó là sự nhầm lẫn nên mới có hiện tượng gửi 4 giấy báo tử cho một người như thế.
Gánh vác thay chồng
Năm 1970, do bị thương nặng sau khi tham gia trận đánh Mậu Thân nên ông Ngoạn được chuyển ra Bắc điều trị rồi chuyển công tác ông ra Bắc. Trên đường từ cơ quan trở về, trong lòng ông Ngoạn cứ rạo rực mong sao xe chạy thật nhanh để ông có thể được gặp vợ, gặp con. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi ông vừa vào tới nhà, vợ ông, bà Thất đã hét toáng lên vì nghĩ ông là ma. Thấy vậy, hàng xóm cũng chạy tới thì được biết ông Ngoạn "từ cõi chết trở về".
Khi đó, ông Ngoạn mới được nghe kể về chuyện vợ nhận 4 lần báo tử của chồng. Ông bảo rằng, những năm tháng ông ở chiến trường là những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt nhất. Đặc biệt là trận đánh Mậu Thân 1968, có khi cả tiểu đoàn bị xóa sổ. Tiểu đoàn của ông nhiều người hy sinh, nhiều người bị thương nặng. "Có lẽ, trong những trận đánh ác liệt ấy, có nhiều người hy sinh nên người ta nghĩ tôi cũng đã về đất mẹ nên gửi giấy báo tử về gia đình", ông Ngoạn cho hay.
"Nghe mọi người kể, gia đình đã nhận 4 lần giấy báo tử của tôi. Lần nào vợ tôi cũng khóc lóc vật vã rồi hương khói nghi ngút. Nay tôi trở về, bà ấy còn vào cấu véo xem đúng là chồng bà ấy bằng xương, bằng thịt hay không", ông Ngoạn cho biết thêm. Trở về nhà, thấy các con khôn lớn ngoan ngoãn ông Ngoạn càng cảm phục nỗ lực của người vợ mình. Cả gia đình được đoàn tụ, họ hàng đến chúc mừng, họ thì thầm bàn tán nhau về sự chung thủy của bà, về sự trở về bình an của ông, về sự kỳ diệu như chuyện cổ tích giữa đời thường.
Tình cảm đã gắn kết ông bà qua biết bao thăng trầm. |
Khóa trước, ông được người dân tin tưởng giao trọng trách là Đại biểu Quốc hội. Nghĩ cảnh chồng đã lớn tuổi lại phải đi lại nhiều, làm nhiều việc nên bà Thất khuyên ông nghỉ để giữ sức khỏe nhưng vì nhiệm vụ, công việc còn bộn bề mà ông vẫn phải tiếp tục. Thấy chồng vất vả, ngày nào bà Thất cũng thức cùng chồng đến tận tối để pha trà, pha sữa cho chồng. "Ở nhà thì tôi thường nhường vợ. Con cái toàn nói đùa: Ở nhà này, mẹ mới là... chồng. Mà đúng là vợ tôi làm chồng thật. Bà ấy chỉ thị: Cấm ông làm việc nhà. Bà quát: "Việc của tôi sao ông... dám làm?". Bà ấy nói: "Ông phục vụ đất nước nhiều rồi, trách nhiệm của tôi và con là phục vụ ông". Đến mức bà ấy cấm tiệt, không cho tôi quét nhà, rửa bát. Tôi nài nỉ bảo: "Tôi không muốn thành kẻ ăn bám đâu nhé, cho tôi làm giúp bà". Nhưng bà ấy... lạnh lùng lắc đầu. Bà ấy hy sinh cho tôi, hy sinh cho gia đình rất nhiều. Nhìn 4 đứa con trưởng thành nhờ một tay bà nuôi nấng khiến tôi càng thêm tự hào vì có một người vợ hiền đức như vậy", ông Ngoạn vui vẻ.