Không được như bạn bè ở trường tiểu học Thành Long (xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang), em Đặng Văn Khuyên học sinh lớp 5D sống lủi thủi một mình trong ngôi nhà tranh với hàng nghìn khe hở lạnh thấu trời.
Thế nhưng, bất kể dù trời nắng hay mưa cậu học sinh nghèo này chưa một ngày nghỉ học. Trong suy nghĩ của Khuyên, em tự nhủ phải chăm sóc bản thân thật tốt, không bao giờ được gục ngã. Lúc nào em cũng thôi thúc mình phải biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mọi "bão giông" trưởng thành.
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp, Khuyên thường lên rừng hái măng để làm rau sống qua ngày. Còn gạo thì em được các bác, cô giáo và hàng xóm giúp đỡ. Cuộc sống của em chỉ quanh quẩn với mấy bức tường ọp ep trong ngôi nhà đơn sơ, chẳng có ai bầu bạn. Cái ăn, cái mặc đã thiếu thốn rồi nhưng đến nơi ở của em cũng chẳng được tử tế.
Ngôi nhà của Khuyên được làm bằng gỗ, lợp mái tranh đã cũ kĩ, xung quanh chỉ là những liếp tre, nứa không được che chắn cẩn thận. Mùa hè không nói nhưng ở vùng núi, mùa đông đến với hàng nghìn khe hở như vậy sẽ chẳng thể ấm nổi.
Khuyên sống với bà nội từ nhỏ nên em chẳng biết mặt bố như nào. Bố bỏ Khuyên khi em còn bé, kể từ đó đến giờ bố Khuyên chỉ về qua nhà 1 lần rồi đi luôn, cũng chẳng gửi tiền về nuôi dưỡng, chăm sóc Khuyên. Trong thâm tâm của Khuyên, em vẫn mong ngóng một ngày nào đó, bố sẽ về đoàn tụ, bù đắp mọi yêu thương cho em.
Ngày 15/11 vừa qua, khi Khuyên đang học trên lớp, em nhận được tin như sét đánh ngang tai, bố bị tai nạn chết trên cửa khẩu Lạng Sơn. Khi ấy, dù chẳng biết mặt bố như nào, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường, Khuyên xin nghỉ học, cầm 10 triệu đồng lên Lạng Sơn đưa thi thể bố về nhà để tổ chức ma chay.
Do hoàn cảnh của Khuyên khó khăn nên khi đưa được thi thể bố về nhà, chính quyền địa phương, hàng xóm đã chung tay giúp đỡ Khuyên để mai táng cho bố. Cuộc sống của Khuyên đã khổ nay còn khốn khổ hơn khi mà tia hy vọng một ngày nào đó bố sẽ về đoàn tụ với em đã vụt tắt.
Chia sẻ về trường hợp của Khuyên, cô Phạm Thị Nga (giáo viên chủ nhiệm của Khuyên) tâm sự: "Hoàn cảnh của Khuyên rất đáng thương. Hai bên nội, ngoại đều ở gần nhưng từ khi mẹ bỏ đi lúc Khuyên 4 tuổi, bên ngoại không nhận cháu. Họ nói không có trách nhiệm với Khuyên. Còn bà nội ở với em được mấy năm,sau đó đi lấy chồng ở Yên Bái từ năm 2018, thỉnh thoảng mới về. Ở gần nhà Khuyên còn có 2 bác, tuy nhiên điều kiện hoàn cảnh cũng khó khăn nên không ai nuôi dưỡng em được".
"Thương em ấy lắm! Mẹ thì như vậy, bố cũng bỏ đi không về, đến khi chết mới đưa về đây. Em ấy có được gọi bố đâu, còn chẳng biết mặt bố như nào? Khi tôi gặng hỏi có nhớ bố không, Khuyên lí nhí bảo có. Gần nhà có bác ruột ở cạnh, thi thoảng bác cho ít gạo. Còn mọi người ai cho cái gì thì em ấy ăn cái đó", cô Nga nói.
Cô Nga cũng chia sẻ, do không có ai kèm cặp nên học lực của Khuyên ở mức trung bình khá. Tuy nhiên, Khuyên rất ngoan. Từ nhà Khuyên đến điểm trường hơn 2km, còn đến trường chính gần 20km. Chiếc xe đạp Khuyên đang đi cũng là cô vừa mới xin về để cho Khuyên đến trường. Khuyên còn thiếu thốn nhiều thứ như quần áo, chăn màn...
"Tôi và các thầy cô trong trường vẫn hay vào nhà Khuyên mang đồ cho em ý. Tôi cũng có trao đổi với bà nội sao không đón cháu đi cùng thì bà bảo, ông chỉ nuôi được bà không nuôi được cháu", cô Nga nói.
Nghe tin bố Khuyên bị tai nạn mất. Cả trường, ai cũng thương hoàn cảnh của Khuyên. Đi học, Khuyên được miễn học phí, còn sách thiếu quyển nào cô giáo đi mượn, vở được cấp phát.
Sau khi cô Nga chia sẻ câu chuyện của Khuyên lên mạng xã hội, có rất nhiều người muốn liên hệ nhận nuôi Khuyên. Tuy nhiên, khi trao đổi với Khuyên, em ấy nói tự lập được rồi nên không muốn đi đâu. Điều cô Nga lo nhất là cả một chặng đường tương lai của Khuyên còn dài, từ nay đến năm 18 tuổi, em sẽ ra sao nếu cứ mãi sống như vậy...
Theo Bảo Châu (Giadinh.net.vn)