Chủ tịch xã bất lực muốn nhảy sông Hồng
Ngày 9.7, báo tin cho PV Dân Việt, một người dân xã Cẩm Đình nói qua điện thoại “nay họ lại mang tàu cuốc ra hút trộm cát của người dân Phúc Thọ chúng tôi”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Đình không giấu được sự bất lực, nói: “Tôi đang đứng với nhân dân nhìn họ hút cát, thấy tình hình xảy ra thường xuyên nhưng chỉ biết… đứng xem, bất lực, không làm gì được. Không có thẩm quyền xử lý nên chỉ ghi nhận tình hình và báo cáo về huyện”.
Ông Đỗ Xuân Quang (thôn Cựu Đình, xã Cẩm Đình) nhà sát bờ sông Hồng chứng kiến tàu hút cát diễn ra hàng ngày nghẹn ngào nói: hoạt động khai thác cát trên sông đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên thời gian gần đây diễn ra rầm rộ hơn nhiều. Họ hút cả ngày lẫn đến đêm, khoảng 5-6h họ cắm rất nhiều máy xuống sông để hút, hoạt động kéo dài đến tận sáng hôm sau. Việc khai thác này có thể dẫn tới tài nguyên của địa phương bị cạn kiệt, dòng chảy thay đổi, hai bên bờ sông sạt, lún.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới địa phương nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trước họ hoạt động gần bờ nhưng dân chúng tôi phản đối kịch liệt, giờ họ chạy ra hoạt động cách xa bờ nên chúng tôi không làm gì được” – ông Quang nói và cho rằng: mấy hôm trước nghe báo chí đưa tin Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành vào cuộc điều tra, xử lý dân rất mừng nhưng kể từ đó "cát tặc" vẫn hút cát như thường.
“Hôm thứ 7 (ngày 7.7) họ nghỉ 1 ngày. Hôm sau họ nghỉ đến 15h lại kéo tàu cuốc ra hút cát… còn hôm nay (9.7) khoảng 10h họ đã kéo 3 tàu ra vừa cuốc và hút cát. Chúng tôi khẳng định họ hút cát trên địa bàn huyện Phúc Thọ cụ thể là xã Cẩm Đình” – ông Quang nói.
Ông Lê Hữu Hồng - nguyên Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Đình sau một hồi bức xúc, ông bình tĩnh, chậm rãi bày tỏ: "Có thể gọi nạn cát tặc xã Cẩm Đình thời điểm này cũng giống như giặc vậy. Nhà nước mới xây dựng tuyến kè, đập thì đến bây giờ chân kè đã bị hở hàm ếch, trong khi mùa mưa đã đến gần. Các tàu cát tặc tập trung ở đây hút cát không chỉ trên bề mặt lòng sông, mà các tàu cuốc chủ yếu cắm gầu thục xuống hút cát vàng dưới đáy sâu khoảng 25- 30 mét. Mấy hôm trước, ở đoạn tuyến sông này có đến cả trăm tàu cuốc. Có thể họ thấy "động" nên mấy hôm nay chỉ có còn lại vài tàu".
Phải chứng kiến cảnh "cát tặc" ngang nhiên lộng hành thời gian dài, không cam lòng, trực tiếp ông là người nhiều lần điện thoại báo cho lực lượng cảnh sát đường thuỷ biết để xử lý. “Khi cảnh sát đường thuỷ đi tàu đến cũng chỉ chạy lòng vòng bắt mấy cái sà lan, thuyền nhỏ còn tàu cuốc thì không bị xử lý. Khi họ về thì “đâu lại vào đấy” – ông Hồng nói với giọng rầu rĩ.
Chính quyền hai bên cần có cái “bắt tay”
Về vấn đề này, ông Đặng Đình Nghĩa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ khẳng định: “huyện cũng như thành phố không hề cấp phép cho bất kì một đơn vị hay doanh nghiệp nào khai thác thác cát trên sông qua địa bàn huyện. Những tàu cuốc, sà lan, thuyền hút cát trên sông xã Cẩm Đình là vi phạm nghiêm trọng. UBND huyện cũng đã nắm được và đã có văn bản gửi Công an huyện tiến hành xử lý”.
Trao đổi nhanh với PV, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ Bùi Xuân Trường nói: “hiện nay công an huyện đang thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP, đang làm, không có vấn đề gì cả”.
Trong một diễn biến liên quan, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiến hành tổng hợp, kiểm tra nhanh về tình trạng này. Trên cơ sở xác minh, rõ bản chất sẽ có báo cáo về vấn đề trên với UBND TP.
Người đứng đầu Công an Hà Nội cũng cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ngay trong chiều 5.7 đã tiến hành cho kiểm tra ngay. “Thực tế có tàu hoạt động khai thác cát phía bên kia của Phúc Thọ, thuộc địa phận của Vĩnh Phúc được địa phương họ cấp phép. Nếu có sự xâm chiếm sẽ xử lý ngay. Tuy nhiên, nếu họ khai thác tại khu vực được cấp phép thì cũng rất khó xử lý” – Giám đốc Công an TP.Hà Nội nói.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho rằng: nếu các địa phương cho rằng có sự mập mờ trong ranh giới, các đơn vị chức năng, các Sở TNMT của 2 tỉnh cần phải xác định rõ mốc giới, trên cơ sở đó có đề xuất cơ quan chức năng để có hướng xử lý cho phù hợp.
Theo Thành An (Dân Việt)